|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sơ suất khi chọn hình quốc kì, đại gia hàng thể thao buộc phải rút mẫu giày hiệu khỏi thị trường

07:53 | 03/07/2019
Chia sẻ
Hãng giày và quần áo thể thao Nike quyết định không bán mẫu giày êm mới in hình lá cờ đầu tiên của Mỹ vì hình ảnh ấy gắn với chế độ nô lệ.

Air Max 1 USA là mẫu giày đế mềm mà Nike lên kế hoạch tung ra thị trường nhân dịp Quốc khánh Mỹ (4/7), với hình lá cờ Mỹ thời kỳ đầu lập quốc ở gót giày, gồm 13 ngôi sao xếp vòng tròn tượng trưng cho 13 bang sơ khai.

Hình ảnh quốc kì gây tranh cãi trên mẫu giày mới

Nhưng cựu tiền vệ bóng bầu dục Colin Kaepernick, một trong những người quảng bá mẫu giày mới của Nike, phản đối hình ảnh cờ 13 ngôi sao, cho rằng nó có thể gây phẫn nộ vì gắn với chế độ nô lệ ở Mỹ sau khi giành độc lập từ Anh.

Hôm 2/7, Wall Street Journal đưa tin Nike đã chuyển mẫu giày Air Max 1 USA đến các nhà bán lẻ, song tập đoàn đã thu hồi chúng và gỡ bỏ thiết kế khỏi trang web.

Air Max

Phiên bản giày em Air Max 1 USA của Nike. Ảnh: Nike

Trong khi mọi người thảo luận rầm rộ về quyết định của Nike trên mạng xã hội, Thống đốc bang Arizona, ông Doug Ducey, thông báo trên Twitter rằng ông sẽ rút những ưu đãi tài chính đối với kế hoạch xây một nhà máy của Nike ở bang Arizona. Theo Nike, nhà máy mới có thể tạo việc làm cho hơn 500 người.

"Tôi đã ra lệnh hủy toàn bộ những ưu đãi tài chính đối với kế hoạch xây dựng nhà máy của Nike ở bang Arizona. Nền kinh tế của bang vẫn đang vận hành tốt dù Nike không tham gia. Chúng tôi không cần ưu đãi những doanh nghiệp bôi nhọ lịch sử quốc gia", ông Ducey  phát biểu.

Phản ứng của giới chính trị

Mặc dù vậy, nhiều chính trị gia khác ở Mỹ cho rằng việc Nike hủy bán giày Air Max 1 USD là hành động không yêu nước.

"Hóa ra Nike chỉ muốn bán giày êm cho những người ghét quốc kì Mỹ", ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ Cộng hòa ở bang Texas, viết trên mạng xã hội Twitter.

Herman Cain, người từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cũng bình luận trên Twitter: "Giờ bạn đã biết một sự thật nhé: Không việc gì có thể xảy ra ở Mỹ trong tương lai nếu vận động viên bóng bầu dục Colin Kaepernick phản đối".

Colin Kaepernick, cựu cầu thủ của đội bóng bầu dục San Francisco 49ers, trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh cho bình đẳng xã hội vào năm 2016, khi anh quỳ xuống trong lúc các cầu thủ hát quốc ca trước một trận đấu để phản đối việc cảnh sát giết người da màu và sự bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ.

Hành động của Colin Kaepernick đã truyền cảm hứng cho nhiều vận động viên chuyên nghiệp khác, khiến họ quỳ khi hát quốc ca trước công chúng. Tuy nhiên, hàng loạt chính trị gia, bao gồm Tổng thống Donald Trump, lên án hành động ấy. Họ cho rằng nó thể hiện sự không tôn trọng quốc gia và quân đội.

Nhạc Dương