Ca nhiễm COVID-19 của Thượng Hải tăng gấp đôi trong một ngày, thổi bùng nỗi lo tái phong tỏa
Nguy cơ tái phong tỏa
Thượng Hải vừa báo cáo số trường hợp mắc COVID-19 hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 5. Sự gia tăng gấp đôi của số ca nhiễm làm dấy lên lo ngại rằng trung tâm tài chính của Trung Quốc sẽ một lần nữa bị phong tỏa.
Cụ thể, Thượng Hải phát hiện 54 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 6/7, trong đó có hai trường hợp nằm ngoài khu vực cách ly. Một số người lo lắng rằng virus đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Chính quyền địa phương đã tăng cường các cuộc xét nghiệm trên diện rộng, với 10 quận và một số bộ phận của hai quận khác – trên tổng số 16 quận của thành phố - tiến hành xét nghiệm PCR cho mọi cư dân trong vòng ba ngày.
Cùng ngày, Bắc Kinh báo cáo 4 ca nhiễm mới sau khi các quan chức thông báo đã phát hiện ra biến chủng phụ lây nhiễm cao BA.5.2 của Omicron. Thủ đô Trung Quốc sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 bắt buộc từ tuần tới, giới hạn một loạt địa điểm văn hóa và giải trí dành riêng cho những người đã tiêm chủng. Lao động trong một số ngành sẽ buộc phải tiêm mũi tăng cường, bao gồm nhân viên y tế.
Biến chủng phụ BA.5.2 đã xuất hiện tại khu vực phía tây của Trung Quốc, với Tây An là thành phố đầu tiên báo cáo trường hợp lây nhiễm của biến chủng này. Giới chức trách đã áp đặt một loạt biện pháp hạn chế rộng rãi, nhưng chưa lệnh cho 13 triệu dân cư phải ở yên trong nhà.
Trong khi đó, Thượng Hải cho biết đợt bùng phát mới nhất có liên quan tới một biến chủng phụ trước đó của Omicron, không phải BA.5.2.
Đây là thử thách mới nhất với chính sách Zero COVID của Bắc Kinh. Tuy Trung Quốc đã khống chế được làn sóng dịch trước đó, nhưng hai tháng phong tỏa ở Thượng Hải đã gây hậu quả nặng nền lên xã hội và nền kinh tế.
Giới chức trách chưa tái áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở các thành phố lớn. Nhưng mới đây Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định Trung Quốc sẽ gắn bó với Zero COVID, nói rằng nước này thà chịu một số tác động kinh tế tạm thời còn hơn là gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Tính trên toàn quốc, Trung Quốc ghi nhận 338 ca nhiễm vào ngày 6/7. Phần lớn các trường hợp đến từ một huyện nhỏ ở tỉnh An Huy. COVID-19 cũng đã xuất hiện ở các khu vực khác, bao gồm trung tâm logistics Tô Châu. Tuy nhiên, các quan chức chưa kết luận rằng các cụm dịch này có liên quan với nhau.
Khó khăn kinh tế chồng chất
Dự báo chung của các nhà kinh tế theo khảo sát của Bloomberg là tuần tới, Trung Quốc sẽ báo cáo GDP quý II tăng trưởng khoảng 1,5% so với một năm trước đó. Song, dữ liệu tần suất cao của tháng 6 và các tổn thất của hai tháng trước chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã suy giảm trong giai đoạn này.
Khả năng cao là các cuộc tranh cãi về độ chính xác của số liệu kinh tế chính thức sẽ kéo dài suốt năm nay. Ông Tập yêu cầu các quan chức nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm nay là “khoảng 5,5%”, đồng thời giữ vững chính sách Zero COVID, mặc dù chiến lược chống dịch hà khắc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế.
Các chỉ báo khác đang cung cấp bằng chứng áp đảo về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Trong quý II, các chuyến đi bằng ô tô trên đường xá Trung Quốc hầu như đều thấp hơn so với năm ngoái, theo phân tích từ TS Lombard. Số chuyến bay nội địa giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái, theo nhà cung cấp dữ liệu Variflight.
Dữ liệu di chuyển của xe tải chở hàng giữa các thành phố, được cho là có tương quan chặt chẽ với GDP, cũng cho thấy sự suy yếu. Theo dữ liệu từ G7 Connect, trong tuần cuối cùng của tháng 6, số xe tải trên các tuyến đường tại Trung Quốc vẫn thấp hơn khoảng 20% so với một năm trước đó.
Doanh số bán nhà tiếp tục tụt dốc, trong khi thị trường nhà đất đóng góp khoảng 20% GDP Trung Quốc. Dữ liệu từ China Real Estate Information cho thấy thị trường nhà đất đã tạo đáy vào tháng 5 và tình hình đã ngừng xấu đi, nhưng vẫn chưa thực sự tăng trưởng trở lại.
Ông Leland Miller, CEO công ty khảo sát thị trường Leland Miller, cho biết: “Trung Quốc sẽ không đời nào báo cáo GDP quý II tăng trưởng âm. Chúng tôi đoán rằng Trung Quốc sẽ tung ra con số khoảng 2%, dù nó không được chứng minh bằng dữ liệu”.
Theo Bloomberg, để thể hiện tăng trưởng trong quý II, Trung Quốc sẽ dựa vào số liệu sản lượng công nghiệp phục vụ xuất khẩu và sự gia tăng của đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Tuy sản lượng công nghiệp chính thức của Trung Quốc đi lên trong tháng 5, nhưng đó chủ yếu là nhờ sự phục hồi của lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là than.
Các chỉ số tần suất cao cho thấy sản lượng thép trong 20 ngày đầu tháng 6, một mặt hàng công nghiệp chủ chốt, đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt & Thép Trung Quốc. Trong khi đó tồn kho thép lại ở mức cao, cho thấy nhu cầu xây dựng yếu.