|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau phong trào chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, các 'sếp' nam ở Mỹ ngày càng ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền

07:41 | 11/06/2019
Chia sẻ
Tỉ lệ nhà quản lí nam trong giới doanh nghiệp Mỹ ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền trong năm 2019 tăng vọt so với năm ngoái, cho thấy một tác động bất ngờ của phong trào chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Hai phong trào #MeToo (chống quấy rối tình dục đối với phụ nữ trong môi trường làm việc) và Time's Up (thúc đẩy công bằng về điều kiện làm việc cho phụ nữ) đã thu hút sự chú ý của công chúng đối với những thách thức mà phụ nữ đối mặt trong công việc. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới cho thấy 60% nhà quản lí nam ở Mỹ thừa nhận họ cảm thấy không thoải mái khi tham gia các hoạt động công việc bình thường với phụ nữ - bao gồm dẫn dắt, làm việc trực tiếp theo kiểu 1-1 hay giao tiếp xã hội, theo CNBC.

Tỉ lệ nhà quản lí nam ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền ở Mỹ tăng vọt

Theo cuộc khảo sát - do tổ chức LeanIn.org và SurveyMonkey công bố hôm 20/5 - tỷ lệ này đã tăng 33% so với năm ngoái.

Những nhà quản trị doanh nghiệp cấp cao cũng tiết lộ rằng mức độ miễn cưỡng của họ tăng 12 lần khi gặp trực tiếp phụ nữ cấp dưới theo kiểu 1-1 so với khi gặp nam giới cấp dưới, tăng 9 lần khi công tác cùng thuộc cấp nữ so với thuộc cấp nam, tăng 6 lần khi ăn tối để bàn công việc với phụ nữ cấp dưới so với nam giới cấp dưới.

Bà Sheryl Sandberg, người sáng lập tổ chức LeanIn.org và là giám đốc vận hành của mạng xã hội Facebook, nhận định rằng kết quả khảo sát là thứ mà bà hoàn toàn không thể chấp nhận.

Sau phong trào chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, các sếp nam ở Mỹ ngày càng ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền - Ảnh 1.

Người sáng lập tổ chức LeanIn.org, bà Sheryl Sandberg, khẳng định phong trào chống quấy rối tình dục với phụ nữ ở nơi làm việc đã góp phần làm tăng mức độ an toàn cho phụ nữ trong môi trường công sở. Ảnh: CNBC

Phát biểu trong chương trình "Squawk on the Street" của kênh truyền hình CNBC, Sheryl nói rằng hệ lụy của tình trạng các nhà quản lí nam ngại tham gia các hoạt động với phụ nữ cấp dưới là phụ nữ không được dìu dắt như nam giới, đặc biệt là phụ nữ da màu.

"Kinh nghiệm của tôi cho thấy, không ai có thể thăng chức nếu không trải qua các cuộc họp riêng với nhà quản lí cấp trên", bà khẳng định.

Mặc dù một số người lập luận phong trào #MeToo và Time's Up đã gây ra tác động tiêu cực đối với quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ trong môi trường làm việc, Sheryl lại không đồng ý. Bà nói hai phong trao đã tạo ra tác động cực kì tích cực ở môi trường làm việc, đặc biệt là đối với vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ.

"Vấn đề là, những tác động từ hai phong trào vẫn chưa đủ lớn. Không quấy rối tình dục người khác là quy tắc quan trọng, song nó chỉ là quy tắc rất cơ bản. Phụ nữ cung cần các nhà quản lí không phớt lờ họ", bà nhận xét.

Rachel Thomas, chủ tịch của LeanIn.org, nói với CNBC rằng quấy rối tình dục là vấn đề lớn và thực sự phức tạp, nhưng phụ nữ cần một thứ lớn lao hơn.

"Chúng ta cần tăng số lượng phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, đặc biệt là phụ nữ da màu và đồng tính. Chúng ta cần thay đổi cơ cấu về giới trong bộ máy lãnh đạo các tổ chức vì chúng ta biết sự thay đổi ấy sẽ dẫn tới môi trường làm việc an toàn hơn và bền vững hơn", Rachel bình luận.

Nhà quản lí tử tế cần lên tiếng và hành động

Cả Rachel và Sheryl đều chỉ ra rằng nguy cơ quấy rối tình dục có khả năng xảy ra cao gấp hai lần trong những tổ chức mà đàn ông chiếm đa số vị trị lãnh đạo.

"Đó là lí do mà nam giới phải lên tiếng và hành động. Tôi nghi ngờ rằng rất nhiều đàn ông tử tế không nhận ra rằng, với việc không chủ động hướng dẫn, bảo trợ hay tạo điều kiện hoàn toàn cho phụ nữ dưới quyền, họ sẽ trở thành một phần của vấn nạn quấy rối phụ nữ", Rachel nhấn mạnh.

Sau phong trào chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, các sếp nam ở Mỹ ngày càng ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền - Ảnh 2.

Bà Rachel Thomas cho rằng những nhà quản lí tốt cần tích cực hướng dẫn và bảo trợ phụ nữ dưới quyền. Ảnh minh họa: freepik.com

Giải pháp, theo Sheryl và Rachel, là tất cả đàn ông không muốn ăn tối để bàn công việc với phụ nữ dưới quyền cũng không nên ăn tối để bàn công việc với thuộc cấp nam. Thay vào đó, họ nên ăn tối theo nhóm để cả đàn ông và phụ nữ đều có thể bàn công việc.

"Ấy là một cách để tạo ra sự tiếp cận bình đẳng. Tôi không hiểu hoàn toàn, nhưng vì bất kỳ lý do gì mà một người đàn ông cảm thấy không thoải mái khi gặp riêng hoặc làm việc với một phụ nữ, họ nên rút lui", Rachel nêu quan điểm. Theo cô, dù các nhà quản lí nam cảm thấy ngại hay không thoải mái khi tiếp xúc với phụ nữ dưới quyền, họ vẫn phải thể hiện năng lực của một nhà quản lí giỏi với việc hướng dẫn, bảo trợ nữ đồng nghiệp dưới quyền để họ có cơ hội thành công và thăng chức.

Nhạc Dương