|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các nữ doanh nhân luôn 'đau đầu' về vốn

20:59 | 07/06/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ thường gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất cũng như thương mại, trong đó vốn luôn là yêu cầu cấp bách.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số DN, đóng góp 40% GDP và tạo ra 50% số lượng việc làm cho xã hội. Dựa trên dữ liệu Tổng điều tra DN năm 2014 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 95.906 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Hướng đến việc hội nhập sâu rộng hơn trong thương mại và đầu tư, với mục tiêu kết nối với 3 triệu phụ nữ với thị trường thế giới vào năm 2021 thông qua Kế hoạch “7 Hoạt động toàn cầu”, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) - đơn vị của tổ chức Liên Hợp Quốc và WTO khởi động dự án SheTrades và UPS, nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thương mại, bằng cách cải thiện khả năng cạnh tranh, cung cấp các giai pháp về hậu cần thương mại và hỗ trợ hệ sinh thái nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh.

Các nữ doanh nhân luôn đau đầu về vốn - Ảnh 1.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

“Dự án mang tính toàn cầu và được kỳ vọng triển khai ở 15 quốc gia trên thế giới để hỗ trợ phụ nữ tăng quy mô DN, tăng thu nhập và tái đầu tư cho sản xuất. DN có thể thuận lợi hơn khi đăng ký hồ sơ cá nhân, tìm hiểu thông tin về đối tác, hoặc tham gia các khoá học online miễn phí để trang bị thêm kiến thức”, bà Anna Mori chia sẻ.Bà Anna Mori, Quản lý Dự án ITC SheTrades và UPS cho biết, các DN do phụ nữ làm chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Khi triển khai dự án, ITC kết hợp với Amazon và IPAY nhằm cung cấp dịch vụ, tổ chức huấn luyện giúp phụ nữ làm thương mại tốt hơn; cung cấp kiến thức giúp phụ nữ chuẩn bị tốt hơn về logistics từ đó giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đang hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh. Việt Nam tự hào có truyền thống lâu đời về phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh, và so với nhiều nền kinh tế tương tự, Việt Nam có ít sự khác biệt giữa địa vị pháp lý của nam giới và nữ giới.

Tuy nhiên, các thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong việc điều hành doanh nghiệp vẫn trực tiếp tác động đến các cơ hội kinh doanh và khả năng tiếp cận nguồn tài chính. Một số chuyên gia và đại diện DN hiện vẫn cho rằng, khác với các DN đơn thuần, DN do doanh nhân nữ làm chủ thường gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất cũng như thương mại, trong đó vốn luôn là yêu cầu cấp bách.

Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ nhiệm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguồn vốn luôn là thách thức với nữ doanh nhân. Nhiều trường hợp khi thuyết trình đề án kinh doanh để kêu gọi đầu tư, doanh nhân nữ luôn gặp những câu hỏi mang tính định kiến giới tính mà không gặp được những câu hỏi khuyến khích, gợi ý cho triển khai ý tưởng và không có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh.

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xu hướng hàng rào thuế quan được loại bỏ thì hàng rào phi thuế quan lại tăng lên tương ứng. “Do vậy, thông qua dự án, các tổ chức giúp doanh nhân nữ có thể tìm hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật từ đó thuận lợi xuất khẩu vào các thị trường và tham gia bán hàng online trên các trang thông tin điện tử lớn”, bà Minh gợi ý.

GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER

Theo Cục XTTM, Dự án SheTrades và UPS khi được triển khai tại Việt Nam sẽ được thiết kế các hoạt động thiết thực, dựa trên nhu cầu thực tế để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ thương mại. Đặc biệt, Dự án tập trung cải thiện khả năng cạnh tranh, cung cấp các giải pháp về logistics thương mại và hỗ trợ hình thành một hệ sinh thái gắn kết nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, việc nâng cao nhận thức của các DN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, về các cơ hội và giá trị của việc trở thành người hưởng lợi là mục tiêu của Dự án SheTrades và UPS. Thông qua việc tiếp cận dự án, các bên liên quan sẽ có một cái nhìn tổng quan cũng như các mục tiêu và hoạt động của dự án, đồng thời lắng nghe các ý kiến về các vấn đề và thách thức chính của các nữ doanh nhân trong quá trình điều hành DN.

“Trong khuôn khổ Dự án SheTrades và UPS, Cục XTTM sẽ luôn cùng ITC đồng hành với các đối tượng thụ hưởng, quyết tâm triển khai thành công cũng như tối ưu hóa các kết quả của Dự án để đông đảo cộng đồng DN được tiếp cận và hưởng lợi”, ông Phú cho biết./.

Nguyễn Quỳnh