Sau phiên đầu tuần đỏ lửa, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ hồi phục mạnh trong ngày thứ Ba?
Phiên giao dịch ngày 24/2, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị nhấn chìm trong sắc đỏ, với mọi chỉ số lớn đồng loạt giảm hơn 3%. Nhưng nếu dựa vào lịch sử, phiên giao dịch thứ Ba có thể sẽ biến chuyển hoàn toàn khác.
Theo Bespoke Investment Group, tính từ tháng 3 năm 2009, phiên 24/2 vừa qua là lần thứ 19 chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% vào một ngày đầu tuần.
Trong các trường hợp trước đó, trung bình sau mỗi một lần sụt giảm, chỉ số này đã lấy lại 1,02% vào ngày hôm sau. Bespoke lí giải đó là do "rất nhiều cổ phiếu đã được mua vào khi giá của chúng giảm".
Bespoke nhận thấy rằng trong 17 trên 18 trường hợp S&P 500 giảm điểm vào thứ hai, chỉ số này đã đạt lợi suất dương trong tuần tiếp theo, với mức tăng trung bình là 3,16%. Mức tăng trung bình trong tháng tiếp theo là 6,08%.
Hôm 24/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 3,56%; 3,35% và 3,71%.
Khi phân tích dữ liệu kĩ hơn, Bespoke nhận thấy rằng khi S&P 500 giảm hơn 1% vào thứ Sáu và hơn 2% vào thứ Hai tuần kế tiếp - như tình hình hiện tại - thì trung bình chỉ số này sẽ tăng hơn 1,5% vào thứ Ba. Mức tăng trung bình của tuần và tháng kế tiếp lần lượt là 3,98% và 6,47%.
Đợt bán tháo ngày 24/2 được cho là bắt nguồn từ sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài.
Trao đổi với CNBC, ông Paul Hickey đến từ Bespoke cho biết: "Tôi không nghĩ rằng việc thị trường lao dốc như hôm nay là điều đáng ngạc nhiên, vì mọi người đã đúng khi lo lắng rằng dịch virus corona có thể đang lan rộng. Chúng ta không biết tình hình sẽ tiếp diễn như thế nào, và đó chính là vấn đề... Khi dữ liệu xuất hiện, chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này".
Ông cũng nói rằng không thể tin cậy 100% dữ liệu từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là thế giới đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu từ các quốc gia khác. Đó là lí do tại sao sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, ví dụ như ở Italy và Hàn Quốc, đã ngay lập tức khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ.
Ông Paul nhận định: "Nếu đến hết tối 24/2 (theo giờ Mỹ) mà không có thêm bất kì sự gia tăng đột biến nào trong số lượng người nhiễm virus corona, thì tôi nghĩ thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ vào ngày hôm sau".
Theo thống kê của South China Morning Post (SCMP) tính đến 11h sáng 25/2 (giờ Việt Nam), Hàn Quốc có 893 ca xác nhận nhiễm và 8 ca tử vong, từ đó vượt qua Nhật Bản để trở thành ổ dịch virus corona lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Italy có ít nhất 229 ca nhiễm bệnh và 7 ca tử vong.