|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau nhiều năm lên kế hoạch, TP HCM cũng sẽ có nhà máy đốt rác phát điện

21:16 | 26/08/2019
Chia sẻ
Ngày 28/8, TP HCM sẽ khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên với công suất 2.000 tấn/ngày. Nhà máy này sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2020.
Sau nhiều năm lên kế hoạch, TPHCM cũng sẽ có nhà máy đốt rác phát điện - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Toàn Thắng (đứng), giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nói về việc xử lý rác tại TPHCM - Ảnh: Lê Anh

Chiều 26-8, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã họp báo thông tin về tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay công nghệ xử lý rác tại TPHCM chủ yếu là chôn lấp. Tổng số lượng rác đã thu gom vận chuyển năm 2018 là hơn 3 triệu tấn, tính trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra 9.213 tấn rác, tăng 4,19 % so với năm 2017.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thành phố sẽ khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện vào tháng 9 và tháng 10. Định hướng của trung tâm kinh tế lớn nhất nước là đến năm 2020 tỷ lệ rác chôn lấp tối đa là 50%; đến năm 2025 đối đa là 20%. 

Để thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, TPHCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ như đất đai, giá, mua bán điện, thuế và nguồn vốn.

Dự án đốt rác phát điện thứ 1 của thành phố sẽ do Vietstar xây dựng. Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty Vietstar, cho biết nhà máy đốt rác phát điện Vietstar, được xây dựng trong khuôn viên nhà máy hiện nay ở Củ Chi.

Trong giai đoạn 1, Vietstar khởi công xây dựng nhà máy ngày 28-8, lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện với công suất 2.000 tấn /ngày và đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành. Giai đoạn 2, xây dựng dây chuyền để tăng thêm công suất 2.000 tấn/ngày, hoàn thành trong năm 2021. Tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn là gần 400 triệu đô la Mỹ.

Ông Việt cho biết, Vietstar sử dụng công nghệ martin của Đức với hệ thống khép kín không phát tán mùi hôi, các hoạt động đều dùng công nghệ tự động. Do dự án làm trên khuôn viên nhà máy cũ nên không cần thêm đất nên thời gian xây dựng nhanh trong 1,5 năm.

Dự án đốt rác phát điện thứ 2 là do Tâm Sinh Nghĩa đầu tư. Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cho biết đầu tháng 10, công ty sẽ khởi công một số hạng mục của nhà máy tại Củ Chi.

Nhà máy này có diện tích 8 héc ta, cũng sử dụng công nghệ martin của Đức với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, đến đầu quí 4-2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ phát điện với công suất 40 Mw và cho ra sản phẩm gạch không nung 200 tấn/ngày.


Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, cho biết, hiện sở đang kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Thành phố xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%. Để thực hiện điều này, một trong các giải pháp thành phố nêu ra là chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.


Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, TPHCM đã đưa ra một số ưu đãi đầu tư vào xử lý rác như: miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Lê Anh