Sau 4 năm, Tổng thống Duterte vẫn chật vật chứng minh Philippines hưởng lợi từ Trung Quốc
Năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố Philippines sẽ "tách rời" Mỹ - một đồng minh quân sự thân cận - và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc. CNBC nhận định, đây là một thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoài ra, ông Duterte còn gạt bỏ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỉ USD mà Bắc Kinh cam kết rót vốn vào mạng lưới cơ sở hạ tầng của Philippines.
Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư mà Trung Quốc hứa hẹn đều không thành, nhiều dự án đang bị trì hoãn hoặc gác lại. Trong khi đó, thái độ bài xích Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong chính phủ của ông Duterte và trong công chúng Philippines.
"Trung Quốc chỉ mới khởi động hai trong số các dự án cơ sở hạ tầng đã cam kết, gồm một cây cầu và một dự án thủy lợi. Cả hai đều gặp phải những khó khăn lớn có thể khiến dự án bị hủy bỏ", ông Greg Poling - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay.
"Bắc Kinh cũng không dừng quấy rối các lực lượng và dân thường Philippines trên Biển Đông. Vì thế, trên mọi phương diện, Tổng thống Duterte ngày càng bị cáo buộc là hạ thấp bản thân trước Bắc Kinh và không nhận được gì", CNBC dẫn lời ông Poling nói thêm.
Áp lực chính trị trong nước gia tăng
Hướng tiếp cận hòa giải của ông Duterte với Trung Quốc không được lòng hầu hết công chúng Philippines. Theo CNBC, người dân đất nước Đông Nam Á này vẫn tiếp tục ủng hộ các cường quốc châu Á và thế giới khác.
Trong một cuộc khảo sát do Social Weather Stations thực hiện hồi tháng 7, người dân Philippines tin tưởng Mỹ và Australia hơn Trung Quốc. Đáng chú ý, niềm tin của họ với đất nước tỉ dân đã sụt giảm đáng kể so với cuộc khảo sát tương tự thực hiện vào tháng 12 năm ngoái.
Thái độ của công chúng Philippines với Trung Quốc đi xuống cùng lúc với đại dịch COVID-19 và chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo Đại học Johns Hopkins, đại dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 238.000 người Philippines và khiến hơn 3.800 người tử vong. Trong quí II năm nay, nền kinh tế Philippines giảm 16,5% so với cùng kì năm 2019 và đánh dấu lần đầu tiên rơi vào suy thoái sau 29 năm.
Ông Peter Mumford - quản lí cấp cao của Eurasia Group, nhận định thực tế này "làm gia tăng áp lực chính trị, buộc ông Duterte phải điều chỉnh lại chính sách Trung Quốc của mình".
Trong vài tháng qua, chính quyền ông Duterte đã thực hiện một số động thái chính sách đối ngoại chống Trung Quốc mà các nhà phân tích cho là rất đáng chú ý.
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra một tuyên bố thể hiện sự "quan ngại sâu sắc" trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông. Philippines gọi đây là hành động có thể làm tổn hại quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đến tháng 7, Bộ Ngoại giao Philippines lại đưa ra một thông điệp khác nhân kỉ niệm một phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần 90% Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết.
Sau nhiều năm căng thẳng trên Biển Đông, Philippines dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã đưa Trung Quốc ra toàn án quốc tế. Năm 2016, ngay sau khi ông Duterte nhậm chức, tòa án quốc tế đã ra phán quyết rằng các phần đất mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền thuộc về riêng Philippines.
Đồng hồ đếm ngược sắp hết giờ
Theo nhà phân tích Dereck Aw của công ty tư vấn Control Risks, nhìn chung thái độ chỉ trích Trung Quốc từ nội các của Tổng thống Duterte "không báo hiệu rằng lập trường của Philippines với Trung Quốc sắp thay đổi".
Ông Aw lí giải, những bình luận đó "nên được xem là nỗ lực có chủ ý nhằm xoa dịu các bên liên quan trong nước, chẳng hạn như lực lượng quân đội và công chúng, vì họ đang hoài nghi về chính sách Trung Quốc của ông Duterte".
"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục ổn định chừng nào ông Duterte còn là tổng thống", nhà phân tích của Control Risks cho hay. Ngoài ra, ông Dereck Aw còn nói thêm, đôi khi ông Duterte chuyển sang "chủ nghĩa dân tộc" để giúp người kế nhiệm mà ông ưa thích trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
"Nhưng hành động luôn có trọng lượng hơn lời nói. Chính quyền ông Duterte sẽ tiếp tục gắn bó kinh tế sâu sắc với Trung Quốc và từ chối đưa tranh chấp Biển Đông ra quốc tế", ông Aw nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi còn chưa đầy hai năm trong nhiệm kì 6 năm của mình, Tổng thống Duterte đang sắp hết thời gian để đạt được những thành tựu kinh tế mà ông mong muốn từ Bắc Kinh.
Nhà phân tích Mumford của Eurasia Group lưu ý, dù phần lớn lời hứa của Trung Quốc chưa hoàn thành, ông Duterte vẫn có thể lập luận rằng Philippines thà tránh gây hấn với Trung Quốc thì tốt hơn vì "sự bất cân xứng về sức mạnh" giữa hai nước.
"Tuy nhiên, ông Duterte đang phải chịu áp lực ngày càng lớn nhằm chứng minh lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc", ông Mumford nhấn mạnh.