|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sản xuất dép xơ dừa, bàn chải tre và những sản phẩm thân thiện môi trường, nữ cử nhân chỉ cầu hòa vốn để giành thị phần và chiết khấu cao cho nhà phân phối

11:54 | 18/12/2019
Chia sẻ
Tâm huyết với những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, góp phần vào nỗ lực giảm rác thải nhựa, một nữ doanh nhân trẻ giảm giá sản phẩm tới mức thấp nhất để có thể chiết khấu cao cho các đại lí và chiếm thị phần.

Ra đời từ tháng 3/2017, nhưng mãi tới đầu năm 2019, Công ty TNHH Naheli Vina ở TP Hồ Chí Minh mới bán sản phẩm do phải lên kế hoạch và sản xuất. Ngoài giám đốc Nguyễn Thị Dạ Lý, công ty có 9 nhân sự - bao gồm một trợ lí giám đốc và 3 nhân viên kinh doanh.

Khởi nghiệp với những sản phẩm thân thiện môi trường

Công ty kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng từ tre và dừa, bút bi thân giấy tái chế, bút bi tre, dép xơ dừa, thảm xơ dừa, xơ dừa lót đế li, túi vải không dệt, quai xách li bằng vải không dệt, ống hút từ nước dừa, bộ kít khách sạn.

4 sản phẩm không nhựa bao gồm: bàn chải đánh răng tre, lược chải tóc dừa, xà phòng, tăm bông thân giấy. Tất cả sản phẩm được đựng trong túi giấy tái chế.

"Lúc tôi thành lập công ty, nhiều người ngăn cản vì họ nghĩ thị trường không quan tâm tới sản phẩm thân thiện môi trường", Dạ Lý thừa nhận.

tui tai che

Túi từ nguyên liệu tái chế của công ty Naheli Vina. Ảnh: Naheli Vina

Song từ đầu năm 2019, sau hàng loạt vấn nạn môi trường, nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng hơn đến vấn đề môi trường. Một số chính phủ đã cấm sử dụng sản phẩm nhựa một lần chúng. 

Dư luận và giới kinh doanh trong nước cũng đang tỏ ra cởi mở hơn với các sản phẩm tự hủy nhanh, có khả năng thay thế những đồ dùng nhựa. 

Trào lưu dùng ống hút tre hay ống hút inox trong các quán cà phê, bọc rau bằng lá chuối thay vì túi nilon trong các siêu thị là tín hiệu tích cực ban đầu ở Việt Nam.

Đối tượng khách hàng mục tiêu của Naheli Vina gồm các nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, quán cà phê, trường học, doanh nghiệp muốn thay thế các sản phẩm nhựa (như ống hút, cốc, túi xách, đũa, bút bi, dép) sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.

"Sản phẩm của Naheli giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn để thay thế các sản phẩm chứa nhiều nhựa, góp phần hạn chế chất thải nhựa, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn", nữ giám đốc có bằng cử nhân của Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu.

dep xo dua

Đôi dép xơ dừa của công ty Naheli Vina. Ảnh: Naheli Vina

Thị trường chính của Naheli Vina gồm các thành phố lớn trong và cả ngoài nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty cũng xuất sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá tối đa, chiết khấu cao cho đại lí

Không phải là nhà sản xuất đồ dùng thân thiện môi trường đầu tiên, nhưng Naheli Vina là doanh nghiệp tiên phong trong việc đa dạng sản phẩm, ứng dụng sản phẩm thiết thưc hơn và hạ giá sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nhựa cùng loại, để các sản phẩm không nhựa được sử dụng rộng rãi hơn. 

"Trong khi các doanh nghiệp khác chỉ tập trung phát triển một hoặc ít loại sản phẩm thì chúng tôi luôn cố gắng tạo thêm nhiều sản phẩm", nữ giám đốc trẻ thổ lộ.

Đầu tư kênh tiếp thị và bán hàng, phân phối chuyên nghiệp và có kế hoạch là kim chỉ nam trong hành động của Naheli Vina. Công ty đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, yêu cầu về nội dung, chất lượng để đưa hàng và siêu thị và các nhà bán lẻ như Coop Mart, Bách Hóa Xanh, Gruadian.

"Kế hoạch của chúng tôi là lên kệ vào tháng 2/2020", Dạ Lý tiết lộ.

Da Ly

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dạ Lý, người sáng lập công ty Naheli Vina. Ảnh: Nguyễn Thị Dạ Lý

Chính sách của Naheli Vina là hỗ trợ đại lí tối đa như cho trả hàng tồn, chiết khấu cao và thanh toán chậm, không yêu cầu tích trữ hàng.

Hiện nay doanh thu của Naheli Vina chỉ đủ để trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động, chứ chưa có lãi.

"Vì tôi đang mở chiến dịch thay thế nhựa nên công ty hạ giá thành xuống mức rất thấp, với hy vọng giành thị phần và chiết khấu ở mức cao cho nhà phân phối. Nên hiện vẫn chưa sinh lợi nhuận từ việc kinh doanh. Có đủ tiền để duy trì hoạt động cũng là thành công bước đầu rồi", Dạ Lý bình luận.

Chi phí cho tiếp thị của Naheli Vina chiếm 20% lợi nhuận mỗi tháng. Sau khi trừ chi phí, nếu còn tiền, Dạ Lý sẽ chi hết cho quảng bá chứ không giữ lại. 

"Kinh doanh là hành trình dài nên doanh nhân phải đầu tư và chờ đợi", Dạ Lý lập luận.


Tố Quyên