|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ CEO của 'kì lân' tương lai: Mỗi khi đàm phán, đối tác luôn nghĩ tôi chỉ là thư kí hay người mặc thử quần áo

10:32 | 08/03/2020
Chia sẻ
Dù buồn vì mọi người hay nhầm tưởng cô chỉ là thư kí hay người mặc thử quần áo, nữ giám đốc Zilingo khẳng định cô không cần tham gia mọi trận đánh để giành thắng lợi trong một cuộc chiến.

Ankiti Bose, người đồng sáng lập Zilingo, luôn coi hiện tượng "cá lớn nuốt cá bé" là vấn đề cổ điển và cơ bản trong kinh doanh.

"Câu chuyện trong mọi ngành đều giống nhau: Những tập đoàn lớn tìm cách lấn át công ty nhỏ hơn. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa ra giải pháp để những công ty nhỏ cạnh tranh với các đối thủ khổng lồ", cô phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Entrepreneur.

Zilingo giúp tiểu thương chống "cá mập"

Sứ mệnh của Zilingo là giúp những người bán thời trang nhỏ lẻ ở Đông Nam Á số hóa hoạt động kinh doanh của họ.

Zilingo là nền tảng B2B kết nối người bán và nhà cung cấp nguyên liệu thô để việc sản xuất trở nên đơn giản hơn. Ban đầu Zilingo chỉ có 1.500 thương nhân, song giờ đây con số đó tăng lên hơn 10.000. Số người mua tích cực đạt hơn 7 triệu, theo số liệu từ trang web của công ty.

Nữ CEO của 'kì lân' tương lai: Mỗi khi đàm phán, đối tác luôn nghĩ tôi chỉ là thư kí hay người mặc thử quần áo - Ảnh 1.

Ankiti Bose, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Zilingo. Ảnh: Entrepreneur

Ý tưởng kinh doanh nảy ra trong đầu Bose khi cô mua quần, áo tại một phiên chợ cuối tuần khá nổi tiếng ở Thái Lan - nơi gần 25.000 thương nhân bán sản phẩm với qui mô nhỏ.

"Tôi nhận ra một số thách thức đặc thù của tiểu thương: Họ hầu như không có cách tiếp cận chuỗi cung ứng bán buôn. Vì thế, họ không thể mua thành phẩm hay nguyên liệu trực tiếp từ các nhà máy hay xưởng may", Bose giải thích.

Vấn đề thứ hai của tiểu thương thời trang là không có cơ hội vay vốn, vì ngay cả khi có sản phẩm tốt, họ cũng không biết tìm tới đâu để vay vốn. Và khi họ có nơi để vay vốn, những người cho vay thường ép họ chấp nhận những điều kiện thiệt thòi. 

"Một vấn đề nữa là tiểu thương không biết cách quảng bá sản phẩm qua những kênh kĩ thuật số", Bose nói.

Cô gái hiểu rằng nếu thương nhân có một công cụ để giải quyết 3 nỗi đau ấy, họ sẽ không tụt hậu trong thời đại số, và cũng sẽ không đối mặt nguy cơ biến mất trước sức ép trong không gian số mà các tập đoàn lớn tạo ra.

Vì thế, Bose thành lập ứng dụng Zilingo cùng Dhruv Kapoor, một người bạn cùng quê. Ban đầu, Zilingo chỉ công bố những sản phẩm mà tiểu thương ở Thái Lan và Singapore bán. Song ngày nay, nó đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh đa dạng, giúp tiểu thương vay vốn, tiếp cận công nghệ quản lí kho, phân tích dữ liệu, giúp họ mở rộng qui mô hoạt động.

Giờ đây tiểu thương bán rất nhiều thứ trên Zilingo - từ quần, áo, phụ kiện, đồ trang trí nhà, sản phẩm điện tử, mĩ phẩm, sản phẩm vệ sinh cơ thể.

Sau 5 vòng gọi vốn, Zilingo đã huy động 307,9 triệu USD, khiến công ty có mức định giá 970 triệu USD, theo nhiều bài báo. Vòng gọi vốn gần nhất diễn ra hồi tháng 2 năm ngoái.

'Không cần tham gia mọi trận đánh để giành chiến thắng'

Chỉ còn thiếu 30 triệu USD để trở thành "kì lân" (công ty chưa niêm yết có giá trị 1 tỉ USD trở lên), Bose đã phải phá vỡ nhiều rào cản để đạt thành tựu ngày nay. Chẳng hạn, trong thời gian đầu, khi Bose và anh bạn đồng sáng lập gặp một tiểu thương hay đối tác kinh doanh, họ luôn nghĩ cô chỉ là thư kí.

"Mọi người luôn mặc nhiên giả định rằng anh bạn là người điều hành. Một lần, khi tôi nói tôi là giám đốc với một nam giới, người đó đáp rằng anh ta nghĩ tôi chỉ là người mặc thử các mẫu trang phục. Lời bình luận có tính chất xúc phạm ghê gớm, song là suy nghĩ phổ biến của công chúng", Bose bình luận.

Nữ CEO của 'kì lân' tương lai: Mỗi khi đàm phán, đối tác luôn nghĩ tôi chỉ là thư kí hay người mặc thử quần áo - Ảnh 2.

Dhruv Kapoor và Ankiti Bose, hai nhà sáng lập nền tảng công nghệ thời trang Zilingo. Ảnh: INC

Khá nhiều lần Bose phải để các cộng sự nam thảo luận với tiểu thương, hiệp hội, nhà bán buôn vì mọi việc sẽ suôn sẻ hơn nếu cô không tham gia.

"Bạn không thể tham gia một trận đánh để thắng một cuộc chiến, mà phải tham gia trận chiến phù hợp. Sau nhiều trận đánh phù hợp, một ngày nào đó bạn sẽ thắng", cô ví von.

Nữ giám đốc nhận định quan điểm về phụ nữ trong thương trường đã thay đổi nhờ các phong trào đòi quyền lợi cho nữ giới như #MeToo và #TimesUp.

"Mọi thứ thay đổi khá nhanh, cho dù đó là vì người ta sợ mang tiếng phân biệt đối xử với phụ nữ, vượt quá ranh giới trong hành xử với phụ nữ", Bose thổ lộ.

Là người ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ, Bose nghĩ những phụ nữ có quyền lực có khả năng hiểu những vấn đề phức tạp mà phái đẹp phải đối mặt trong môi trường doanh nghiệp. Và để tạo ra sự công bằng, số lượng phụ nữ nắm những vị trí lãnh đạo phải tăng.

Theo Bose, những thanh niên trong độ tuổi đôi mươi ngày nay đang thấy số lượng phụ nữ nắm quyền lớn hơn so với các thế hệ trước. Thực tế ấy khiến suy nghĩ của họ về vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động khác hẳn các thế hệ trước. Họ cũng không có định kiến về vai trò lãnh đạo của phụ nữ, và chấp nhận phụ nữ nắm vai trò dẫn dắt một cách dễ dàng hơn.

"Ngay cả khi phụ nữ đang đạt vị thế bình đẳng hơn với nam giới so với trước đây, chúng ta vẫn phải nhận thức rằng phụ nữ vẫn chưa bình đẳng hoàn toàn với nam giới. Nếu có khả năng nhận thức như thế, phụ nữ đã có 50% cơ hội thành công", cô lập luận.

Cửu Dương