|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh

22:50 | 04/08/2019
Chia sẻ
Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.

Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, trong toàn ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7% so với cùng kỳ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tiếp đến là ngành khai khoáng tăng nhẹ, tăng 1,1% nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện tăng 10%, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, đó là: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 48%; sản xuất kim loại tăng  40,6%; khai thác quặng kim loại tăng 16,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,6%...

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 3,2% (cùng kỳ năm trước tăng 17%); sản xuất thuốc lá tăng 1,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 5,6%...

7 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sắt, thép thô tăng 57,1%; xăng, dầu tăng 45,1%; tivi tăng 23,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 16,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,8%; sơn hóa học tăng 13,4%; điện thoại di động tăng 12,7% (điện thoại thông minh tăng 15,2%)…

Bên cạnh đó, có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như: khí đốt thiên nhiên dạng khí và thuốc lá điếu tăng 1,6%; phân u rê tăng 0,2%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,3%; dầu thô khai thác giảm 6,9%; xe máy giảm 8,7%; linh kiện điện thoại giảm 15,1%; đường kính giảm 16,9%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,7%.

Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, theo dự báo, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khó tăng cao 6 tháng cuối 2019, bởi ngành khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cùng giai đoạn 2018. Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực không còn duy trì đà tăng như trước.

Do đó, các địa phương cần chủ động và tích cực chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng và năng lực quản lý; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhất là chủ động tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực về công nghệ, tài chính và thị trường; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng…

Thúy Hiền

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.