Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
Áp lực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo châu Á |
Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng, quyết định giá thành sản phẩm nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Thế nhưng, thực tế ngành công nghiệp chế biến phát triển chậm, quy mô nhỏ và chưa đáp ứng được nhu.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về giải pháp cho vấn đề này.
PV: Thưa ông, công nhiệp chế biến nông lâm sản Việt Nam hiện nay quy mô nhỏ và chậm phát triển có phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành sản phẩm nông, lâm sản thấp?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Sự chuyển mình trong những năm qua là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và từng người nông dân trong việc quan tâm khâu chế biến. Đây là mắt xích quan trọng trong 3 mắt xích của ngành nông nghiệp hiện nay (gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm).
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Ảnh: Báo Nông nghiệp) |
Chúng ta đã hội nhập rất sâu vào thế giới với 14 hiệp định tự do đã được ký kết. Rõ ràng, năng lực tiếp cận thị trường cũng như đạt chuẩn sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, và ngay cả chinh phục thị trường trong nước, đòi hỏi đầu tiên là chất lượng sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng. Tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm chỉ bằng con đường đầu tư vào chế biến, bởi vì các nhóm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay mới chỉ có tỷ lệ 10% qua chế biến, và giá trị đang ở mức thấp.
Chúng ta cũng chứng kiến có những thời gian nông sản có tính thời vụ cao đặc biệt là như quả vải, nhãn, vòng quay thu hoạch ngắn do đó đặt ra vấn đề chế biến, bảo quản là tính sống còn, thiết thực, đặc biệt là nhóm hàng rau củ.
Vải thiều của Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng. (Ảnh minh họa)
PV: Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp tạo ra hàng năm rất lớn, nhưng việc thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến rất thấp, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Chúng ta đã có gần 11.000 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp và có đề án xây dựng riêng hợp tác xã, xây dựng 15.000 hợp tác xã đến năm 2020; có nghị quyết 35 của Chính phủ tập hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 1 triệu doanh nghiệp.
Việt Nam có phong trào khởi nghiệp, đổi mới mà ngay trong nông nghiệp nông thôn đã có những tấm gương sáng đầu tư vào nông nghiệp… Đấy là tư duy trong quản lý, từ hiệp hội, doanh nghiệp đến bà con nông dân đã có sự chuyển dịch, đã đầu tư vào nông nghiệp một cách bền vững. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tiên phong, đầu đàn, như Thủ tướng nói là "con sếu đầu đàn", để thu hút những vệ tinh khác, đó là điều quan trọng để hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn có nhiều doanh nghiệp chủ đạo.
Trong những năm qua riêng lĩnh vực chế biến, trồng trọt đã chứng kiến khoảng 10 nhà máy được khánh thành với mức độ chế biến sâu, khoảng 3,600 tỷ đầu tư, riêng lĩnh vực đầu tư có nhiều nhà máy được khánh thành, gần đây là nhà máy tổ hợp chế biến thịt lợn ở Hà Nam gần 1.000 tỷ đồng đầu tư, cung cấp được số lượng thực phẩm an toàn ra nội địa để chinh phục thị trường trong nước và thế giới.
Chúng ta làm hoàn thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, phân phối lưu thông cho người tiêu dùng. Đây là hướng đi kiên định trong thời gian tới, doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích và cả trách nhiệm trong việc cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân.
Tổ hợp chế biến thịt mát hơn 1.000 tỷ đồng tại Hà Nam. (Ảnh: Tiền Phong) |
PV: Người nông dân luôn kỳ vọng là sản phẩm khi làm ra thì giá đảm bảo và ổn định, và ngành công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng. Vậy trong thời gian tới ông có gì muốn chia sẻ về điều người dân mong muốn?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Người nông dân đóng vai trò chủ thể quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sơ kết nghị quyết tam nông vừa rồi cũng đã đánh giá cao người nông dân trong chuỗi giá trị.
Trong thời gian tới cùng với sự chủ động của các ngành, các cấp, thì người nông dân cũng nâng cao năng lực của mình để thích ứng với biến chuyển của thị trường, đặc biệt là biến chuyển của hội nhập. Có lẽ, không còn xa lạ với chúng ta về những thay đổi của thị trường thế giới đang tác động đến đời sống hàng ngày và tác động mạnh vào đời sống của người nông dân - một trong những chủ thể của sản xuất. Thị trường thế giới yêu cầu phải nâng cao được tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, đó là chất lượng chăn nuôi, chất lượng canh tác… và hướng tới sản phẩm nông nghiệp an toàn. Người nông dân cần nâng cao năng lực, liên kết với doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào phân phối sản phẩm do chính người nông dân sản xuất.
Từ đó, người nông dân sẽ được nâng dần năng lực sản xuất, năng lực thị trường và bảo vệ hình ảnh người người nông dân trong từng sản phẩm của họ về giá trị sản phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/