Sản lượng đường kỉ lục tại Ấn Độ gây áp lực lên giá và các khoản nợ nông dân
(Ảnh minh họa)
Sản lượng đường ở Ấn Độ có thể tăng 1,5% trong niên vụ 2018 - 2019 lên mức kỉ lục 33 triệu tấn, làm tăng tồn kho đường và gây áp lực lên giá đường nội địa.
Việc sản lượng đường đạt kỉ lục có thể buộc chính phủ Ấn Độ tiếp tục khuyến khích xuất khẩu đường sang nước ngoài vào mùa tới và cân nhắc khi giá cả toàn cầu hiện đang giao dịch ở gần mức thấp nhất trong 4 tháng.
Trong 7 tháng đầu niên vụ 2018 - 2019 bắt đầu từ ngày 1/10/2018, các nhà máy đã sản xuất 32,1 triệu tấn đường, nhiều hơn 3% so với cùng kì năm trước, theo Hiệp hội các Nhà máy đường Ấn Độ (ISMA).
Sản lượng đường nội địa Ấn Độ đã đạt mức 32,5 triệu tấn trong niên vụ 2017 - 2018.
"Sự phục hồi trong sản xuất đường ở miền bắc Ấn Độ đã tốt hơn đáng kể so với năm ngoái", Hiệp hội cho biết.
Nhiều năm thu hoạch mía bội thu và sản lượng đường kỉ lục đã cản trở giá đường nội địa, khiến các nhà máy Ấn Độ khó có thể trả các khoản nợ cho nông dân.
Số tiền các nhà máy đường đang nợ 50 triệu người dân trồng mía đã tăng lên mức kỉ lục 4,38 tỉ USD và đã hơn một năm nông dân không nhận được tiền công cho sản phẩm của mình.
Để giảm nợ mía và tồn kho, chính quyền Ấn Độ đã và đang khuyến khích các nhà máy xuất khẩu đường sang thị trường nước ngoài và đặt mục tiêu xuất khẩu là 5 triệu tấn.
Tuy nhiên, các nhà máy có khả năng chỉ xuất khẩu 3 triệu tấn đường trong niên vụ 2018 – 2019 do giá cả toàn cầu giảm, theo ước tính của ISMA.
Điều đó có nghĩa là mức tồn kho đường của nước này sẽ tăng lên 14,7 triệu tấn vào đầu niên vụ tới vào ngày 1/10/2019, tăng 37,4% so với năm trước.
Ngành công nghiệp đường Ấn Độ dự kiến sản lượng trong niên vụ 2019 - 2020 có thể giảm do việc thúc đẩy sản xuất ethanol và hạn hán ở bang miền tây Maharashtra - khu vực sản xuất đường lớn thứ hai của nước này.
"Việc mở rộng và gia tăng sản xuất ethanol nhanh chóng sẽ làm giảm sản lượng đường trong mùa tới", ISMA cho biết.