[Phần 3] Mía đường Thái Lan: Một khoảng cách quá lớn để Việt Nam đuổi kịp
Mía đường Việt Nam "thua" Thái Lan ở chính sách?
Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), nước sản xuất mía đường coi mía đường là ngành kinh tế mũi nhọn và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Không chỉ cung cấp đường cho tiêu dùng và sản xuất, ngành này còn mang lại nguồn thu nhập cho nhiều nông dân, công ăn việc làm.
Đối với một số quốc gia, đường còn là sản phẩm xuất khẩu quan trọng mang về nguồn thu ngoại tệ lớn. Do vậy, ngành mía đường đang được Chính phủ các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngành mía đường có những lợi thế cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Đồng thời với chính sách bảo hộ còn có chính sách hỗ trợ cụ thể tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước và Thái Lan là một ví dụ điển hình.
Là nước sản xuất đường hàng đầu tại ASEAN, nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, Chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho sản xuất đường trong nước.
Người nông dân thu hoạch mía tại Thái Lan. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Quỹ phát triển mía đường của Thái Lan
Theo đó, Chính phủ Thái Lan quy định giá mía niên vụ 2018/2019 đầu vụ là 800 baht/tấn (tương đương 584.000 đồng/tấn). Cuối vụ, dự kiến nông dân sẽ được trả thêm 150 baht/tấn (tương đương 110.000 đồng/tấn) từ Quỹ phát triển mía đường.
Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ chi phí đầu vào gồm vật tư nông nghiệp, chăm sóc mía với số tiền 50 baht/tấn (tương đương 36.500 đồng/tấn) cho nông dân có quy mô sản lượng mía dưới 5.000 tấn/vụ/nông dân. Tổng Cộng nông dân nhận được giá mía là 730.000 đồng/tấn mía.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu đường Thái Lan không cấp phép nhập khẩu thường niên, theo đó, doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp xin giấy phép song thực tế việc này hiếm khi xảy ra. Với động thái này, Chính phủ Thái Lan muốn hỗ trợ ngành công nghiệp đường nội địa hơn.
Với những chính sách trên, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Đường Việt Nam (VSSA) nhận định mía đường Việt Nam thua thiệt Thái Lan về mặt chính sách.
Chính phủ Thái Lan quyết định giá đường trong nước
Nếu cạnh tranh sòng phẳng trong sản xuất thì Việt Nam không đến nỗi "thua đậm" như bây giờ. Chúng ta thua Thái Lan là ở chính sách bảo hộ, hỗ trợ của Chính phủ.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA
Ông Doanh giải thích Thái Lan cũng cấp hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường tương đương với Việt Nam. Nhưng Thái Lan lại có chính sách riêng của Chính phủ ngoài bảo hộ mậu dịch theo hiệp định thương mại.
Do Thái Lan xác định mía là một trong hai cây trồng của nhà vua bên cạnh cây lúa. Vì vậy, vua Thái Lan ban hành hai luật về phát triển cây lúa gạo và mía đường.
Theo đó, Chính phủ Thái Lan quyết định giá đường trong nước, không cần biết giá đường thế giới bao nhiêu, theo nguyên tắc lấy tiêu dùng trong nước bù cho xuất khẩu. Đối với chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất mía, giá mía là Chính phủ quyết định trên nguyên tắc đưa ra một số giá tạm tính. Cuối vụ, sau khi kiểm toán các nhà máy đường thì 70% lợi nhuận của các nhà máy đường chia lại cho nông dân, 30% nhà máy được hưởng.
Chính phủ Thái Lan mỗi năm chi 2 - 3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía sau đó chuyển về Cục trồng trọt quản lí. Tiếp theo, Cục Trồng trọt hợp đồng với các viện, trường đại học để lai tạo giống. Khi giống được công nhận sẽ chuyển về các nhà máy và nông dân miễn phí.
Thái Lan có bạn ngạch đối với mặt hàng đường
Chính phủ nước này còn hỗ trợ 1 - 2% lãi suất để nông dân đầu tư máy móc sản xuất. Bù chênh lệch lãi suất này trích từ Quỹ phát triển đường.
Về thương mại, Thái Lan xuất khẩu tới 11 triệu tấn trong tổng sản lượng 14 triệu tấn đường năm 2018 trong khi tiêu thụ trong nước chỉ 3 triệu tấn. Thái Lan có bạn ngạch đối với mặt hàng đường.
Cụ thể, Chính phủ chỉ cho phép tiêu thụ trong nước một lượng nhất định, gọi là hạn ngạch A phân bổ cho từng nhà máy. Hạn ngạch B là phần đường được phép xuất khẩu, giao cho một công ty độc quyền. Nếu lỗ Quỹ phát triển đường sẽ bù. Hạn ngạch C là xuất khẩu vượt ngoài kế hoạch, nếu lỗ Quỹ phát triển đường Thái Lan cũng sẽ bù.
Những động thái này đã bị Brazil kiện ra WTO và đã có kết luận là Thái Lan vi phạm các quy định của WTO.
WTO đã yêu cầu Thái Lan thay đổi. Nhưng ông Doanh cho biết trên thực tế nước này chỉ thay đổi giá đường trong nước theo thị trường thay vì Chính phủ quy định về giá. Về cơ bản, các chính sách khác chỉ thay đổi về tên, bản chất vẫn vậy.
Rất khó để Việt Nam có những chính sách như Thái Lan
Đó là nhận định của chủ tịch VSSA khi được hỏi liệu Việt Nam nên có những chính sách tương tự để giúp hỗ trợ ngành mía đường trong nước.
Ông Doanh giải thích, toàn bộ vùng Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan trồng mía với diện tích lên tới 1,5 triệu ha mía, trong khi Việt Nam chỉ có 0,3 triệu ha. Do đó, mía đường cùng với lúa gạo là hai mặt hàng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nông dân nước này.
"Nhiều khi chúng ta so với Thái Lan rất khó, vì muốn hay không Chính phủ Thái Lan buộc phải có chính sách để bảo vệ quyền lợi của người nông dân trồng mía. Việt Nam không thể có chính sách tương tự Thái Lan. Chúng ta có thể dự trữ lúa gạo nhưng không thể dự trữ mía đường do có tới 10 triệu nông dân cả nước trồng lúa".
Trong bối cảnh đó, ông Doanh cho rằng cách duy nhất để cạnh tranh với đường nước ngoài, đặc biệt là sau khi ATIGA có hiệu lực từ đầu năm 2020 là phải đầu tư máy móc thiết bị để giảm giá thành sản xuất.
Nếu mía có trữ đường thấp, công ngệ không tiên tiến, công suất nhà máy nhỏ thì hiệu suất thu hồi sẽ không cao. Nhà máy công suất nhỏ lượng tiêu hao nhiều mía cho một tấn đường sẽ cao hơn so với nhà máy công suất đường.
Trong hơn 20 năm qua, các nhà máy cũng đang tìm cách nâng công suất. Theo đó, nếu như năm 1995, thời điểm Chính phủ khởi động Chương trình 1 triệu tấn đường, công suất ép mía của các nhà máy đường chỉ khoảng 1.000 - 1.500 tấn mía/ngày. Đến nay, công suất phổ biến trên 3.000, một số đạt 10.000 tấn, đặc biệt nhà máy đường An Khê công suất đa đạt 20.000 tấn mía/ngày.
VSSA cho rằng nhờ ATIGA được hoãn hai năm mà ngành đường vẫn trụ được trong năm 2018 và 2019. Theo tính toán của ông Doanh nếu ATIGA có hiệu lực giá đường nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có 9.000 đồng/kg, và các nhà máy sẽ khó lòng xoay xở.
Mục tiêu của ngành hiện nay là phấn đấu giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg. Có như vậy, giá đường trong nước mới sẵn sàng "chiến đấu" với đường nhập khẩu hay thậm chí cả đường nhập lậu từ đường Thái Lan.
"Những nhà máy lớn mới có điều kiện hạ chi phí và vẫn có thể bám trụ sau khi ATIGA có hiệu lực. Nhưng vẫn còn tới 1/3 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày, chắc chắn sẽ gặp khó khăn rất nhiều và chấp nhận "cơ chế thị trường". Việc trả giả là không thể tránh khỏi", ông Doanh nhận định.
Trong bối cảnh ngành đường gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay, toàn ngành sẽ phải làm gì?
Đón đọc [Phần cuối] Tìm lại vị ngọt cho ngành đường