|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sai lầm mà Fed không muốn lặp lại

16:58 | 15/10/2023
Chia sẻ
Vào những năm 1970, Fed dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Arthur Burns đã nới lỏng tiền tệ quá sớm dù lạm phát chưa hạ nhiệt đáng kể và kết quả là nền kinh tế Mỹ phải trải qua cú sốc "lạm phát đình trệ" đáng sợ.

Ông Arthur Burns (trái), Chủ tịch Fed giai đoạn 1970 - 1978, và ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed hiện tại. (Ảnh: Getty Images).

Ông Arthur Burns được nhiều người biết đến là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng thất bại trong cuộc chiến chống lạm phát những năm 1970.

Thất bại của ông Burns và đồng nghiệp đã dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất của nước Mỹ kể từ Đại Khủng hoảng những năm 1930.

Chủ tịch Fed hiện nay là ông Jerome Powell có lẽ không muốn lặp lại thất bại của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, khi chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed sắp kết thúc, ông Powell sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: nên nới lỏng hay là thắt chặt hơn nữa và có nguy cơ cơ đẩy Mỹ vào suy thoái.

Theo Barron’s, giữa thời điểm bây giờ và những năm 1970 đang có một điểm tương đồng, đó là việc giá năng lượng đều tăng mạnh.

Năm 1973, chất xúc tác là cuộc chiến Yom Kippur. Năm 2023, cuộc tấn công mới đây của lực lượng Hamas vào Israel đang kéo giá dầu lên cao một lần nữa.

Ông Burns đã đưa ra một quyết định sai lầm vào mùa thu năm 1973.

Trong bối cảnh nền kinh tế ì ạch vì tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cùng vọt lên mức cao - hay nói cách khác là Mỹ đã rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ”, Ủy ban Ngân hàng Hạ viện muốn biết Fed sẽ làm gì.

Vào ngày 12/9, lặp lại phát biểu mà ông đã sử dụng trong nhiều tuần trước đó, Burns nói với ủy ban rằng Fed “có ý định theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến khi tăng trưởng cung tiền và tín dụng cùng thu hẹp”.

Thời đó, lạm phát chủ yếu được kiểm soát thông qua cung tiền chứ không phải lãi suất như ngày nay. Giảm cung tiền để làm chậm đà tăng của giá cả, tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Burns đã quyết định siết cung tiền, chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế.

Sau đó, vị chủ tịch Fed đột ngột thay đổi quyết định.

Vào ngày 10/10, Fed đã bí mật bỏ phiếu để tăng cung tiền. Đó là điểm khởi đầu của một chiến lược nới lỏng tiền tệ, khiến lạm phát vọt lên mức cao nhất trong lịch sử (không tính trong thời chiến).

 

Sai lầm bắt đầu từ đâu?

Ông Burns từng là một nhà kinh tế được kính trọng trong chính quyền Tổng thống Eisenhower. Phó Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon đánh giá rất cao Burns và sau khi làm chủ Nhà Trắng vào năm 1968, ông đã chọn Burns lãnh đạo Fed.

Ông Nixon nhấn mạnh Fed là một phần của chính quyền, không phải một cơ quan độc lập. Cơn đau đầu của chính quyền Tổng thống Nixon là một nền kinh tế yếu kém từ người tiền nhiệm Lyndon Johnson.

“Tôi không muốn rời Nhà Trắng quá sớm”, ông Nixon nói với Burns trong cuộc trò chuyện vào ngày 10/10/1971. Tổng thống Mỹ khi đó đang muốn tăng cung tiền để thúc đẩy kinh tế nhằm có được nhiệm kỳ thứ hai.

Để giải quyết bài toán lạm phát, chính quyền ông Nixon đã triển khai một loạt biện pháp, trong đó có chính sách kiềm chế đà tăng của giá cả và tiền lương, phụ phí nhập khẩu và chấm dứt chế độ bản vị vàng.

Trong một phân tích của mình, nhà kinh tế học Burton Abrams nhận xét: “Khi các biện pháp kiểm soát lương và giá cả được áp dụng, Chủ tịch Burns có thể cảm thấy bớt lo lắng về lạm phát và tập trung nhiều hơn vào việc kích thích kinh tế”.

“Dù lý do là gì thì chính sách tiền tệ [dưới thời ông Burns] đã ngày càng lỏng lẻo”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đối với nhà kinh tế Ben Bernanke, người giữ chức Chủ tịch Fed từ năm 2006 đến năm 2014, người tiền nhiệm Arthur Burns đã đi quá giới hạn.

Bernanke cho rằng ông Burns đã hành động “như một thành viên của chính quyền Tổng thống Nixon...khi thảo luận các sáng kiến chính sách không liên quan đến trách nhiệm của Fed”.

Theo Barron’s, các đợt đóng băng tiền lương và giá cả của chính phủ diễn ra theo từng giai đoạn từ tháng 8/1971 đến tháng 4/1974, nhưng chúng chỉ có thể tạm thời kiềm chế lạm phát. Giá cả lại bùng nổ mỗi khi các biện pháp hết hiệu lực.

Ông Burns đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vào mùa thu năm 1973. Lạm phát tăng từ 2,9% hồi tháng 3 lên 4,8% vào tháng 10. Người Mỹ kiệt quệ và bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giá cả tiếp tục tăng đều là tin tức trên trang nhất.

Ngày 3/9, tờ Evening Sun đưa tin: “Những bà mẹ vốn đang chật vật với cuộc chiến ngân sách sẽ phải chịu thêm một đòn đau nữa khác khi con cái họ quay lại trường học. Giá bữa trưa tại trường đang tăng từ 5 lên 10 xu trên toàn quốc”.

Cùng lúc, thị trường chứng khoán đang ở giữa đợt giảm mạnh nhất kể từ Đại Khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,8% và bất ổn địa chính trị tại Trung Đông đang kích thích giá xăng đi lên.

Tuy vậy, vào tháng 12/1973, Fed vẫn quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Động thái này kéo lạm phát lên mức 6,3% vào tháng 2/1974, buộc ông Burns phải thay đổi hướng đi lần nữa và tiến hành thắt chặt chính sách. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều nhảy vọt khi nền kinh tế đình trệ.

Theo Barron’s, Chủ tịch Burns đã ở trong một tình thế bất khả thi khi chịu áp lực từ Tổng thống Nixon. Song, sự rời đi đột ngột của Nixon khỏi Nhà Trắng vào cùng năm 1974 cũng không thể chấm dứt khó khăn của ông Burns.

Trong cuốn “The Anguish of Central Banking” (tạm dịch: Nỗi đau khổ của ngân hàng trung ương), Burns thừa nhận rằng dưới thời của mình, Fed đã không “duy trì lập trường hạn chế đủ lâu để chấm dứt lạm phát”.

Thất bại của ông đã trở thành một bài học lớn cho các quan chức ngân hàng trung ương ngày nay.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).