|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Biên bản cuộc họp tháng 9: Giới chức Fed nhất trí giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian

07:45 | 12/10/2023
Chia sẻ
Tuy bất đồng về một số vấn đề, các quan chức Fed nhìn chung đồng tình rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong một thời gian, theo nội dung của biên bản cuộc họp tháng 9.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: New York Times).

Hôm 11/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp tháng 9. Biên bản cho thấy các quan chức Fed có ý kiến khác nhau về việc tăng lãi suất bổ sung, dù nhìn chung họ nhận thấy có thể sẽ có thêm một đợt tăng nữa.

Mặc dù có ý kiến trái chiều về việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, các quan chức vẫn nhất trí ở một điểm. Đó là Fed cần duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tin tưởng lạm phát đang quay trở lại mức 2%.

“Phần lớn thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận định rằng việc tăng thêm lãi suất tại các cuộc họp sắp tới là phù hợp, trong khi một số đánh giá rằng lãi suất không cần tiếp tục đi lên”, biên bản có đoạn.

Biên bản lưu ý rằng tất cả thành viên của FOMC đều nhất trí sẽ “hành động cẩn thận” dựa trên các dự liệu trong thời gian tới, thay vì đi theo một con đường đã được định sẵn.

Một điểm khác mà giới chức Fed cùng đồng tình là “chính sách tiền tệ nên tiếp tục hạn chế [nền kinh tế] trong một thời gian, cho đến khi FOMC tin tưởng lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu”.

Tại cuộc họp tháng 9, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua.

Tuy nhiên, biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của từng thành viên FOMC cho thấy, khoảng 2/3 ủy ban cho rằng Fed cần phải tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay.

 

Kể từ cuộc họp tháng 9, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 25 điểm cơ bản, gây áp lực lên lãi suất của nhiều khoản vay của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, một số quan chức, bao gồm Phó Chủ tịch Philip Jefferson, Thống đốc Christopher Waller và Chủ tịch các chi nhánh Raphael Bostic (Atlanta), Lorie Logan (Dallas) cùng Mary Daly (San Francisco), đều hàm ý rằng xu hướng thắt chặt của các điều kiện tín dụng có thể giúp Fed không cần tăng thêm lãi suất.

Trong danh sách trên, bà Logan, ông Waller và ông Jefferson là những thành viên có quyền bỏ phiếu trong FOMC năm nay, CNBC thông tin.

Bà Krishna Guha, người đứng đầu bộ phận phân tích chính sách toàn cầu tại Evercore ISI, nói Fed có thể đã thuận theo gợi ý trước đó của thị trường, rằng lợi suất trái phiếu gia tăng có thể giảm nhu cầu nâng lãi suất bổ sung.

Hiện tại, các nhà đầu tư dự đoán xác suất Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 11 và 12 lần lượt là 8,5% và 27,9%, dữ liệu từ CME Group chỉ ra.

Các quan chức ủng hộ tăng lãi suất đã bày tỏ lo ngại về lạm phát. Trên thực tế, biên bản cho biết “hầu hết” thành viên của FOMC đều nhìn thấy nguy cơ giá cả có thể tăng lên, cùng với khả năng tăng trưởng chững lại và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Các nhà phân tích của Fed lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đã hoạt động bền bỉ hơn dự kiến trong năm nay, nhưng họ cũng nêu ra một số rủi ro. Cuộc đình công của công nhân ngành ô tô được cho là sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng “một chút” và có thể kéo lạm phát lên cao nhưng chỉ là tạm thời.

Biên bản còn cho biết người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tiếp tục chi tiêu, dù các quan chức lo ngại về tác động khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn, chính phủ bơm ít kích thích tài khoá hơn và nối lại chương trình thanh toán nợ vay sinh viên.

“Nhiều thành viên nhận thấy tình hình tài chính của một số hộ gia đình đang gặp áp lực khi lạm phát lên cao và khoản tiền tiết kiệm giảm sút. Chưa kể, nhiều người đang ngày càng phụ thuộc vào thẻ tín dụng”, biên bản viết.

Trong khi đó, các dữ liệu về lạm phát, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát của công chúng, cho thấy áp lực giá đang dần lùi về mức mục tiêu 2% của Fed.

Tuy vậy, Fed đã nhận một số tin xấu vào ngày 11/10, khi Bộ Lao động cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,5% so với tháng trước vào tháng 9, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát là 0,3%.

Khả Nhân

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.