|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sa thải nhân sự: Cái giá phải trả sau những đợt tuyển dụng ồ ạt của Big Tech

06:00 | 11/11/2022
Chia sẻ
Sau giai đoạn tuyển dụng ồ ạt trong mùa dịch, các công ty công nghệ giờ đây đã quan tâm hơn tới câu chuyện lợi nhuận thay vì tăng trưởng nên buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm thiểu chi phí.

Các công ty công nghệ trên khắp thế giới đã dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vài năm qua, được thúc đẩy bởi chính đại dich COVID-19. Mọi thứ bắt đầu có sự đảo chiều khi đại dịch dần được kiểm soát, theo Tech Wire Asia.

Trong quý III, nhiều công ty lớn nhất thế giới bắt đầu công bố báo cáo tài chính với kết quả không đạt kỳ vọng do tác động của những xáo trộn kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát và lãi suất tăng.

Về cơ bản, sau nhiều năm dòng tiền đổ về như nước và tuyển dụng nhân sự ồ ạt, ngành công nghệ đã quyết định thắt chặt các khoản chi. Cũng chính thời điểm này, một đợt sa thải nhân sự và đóng băng tuyển dụng quy mô lớn đã diễn ra.

Trong vài tuần gần đây, nhiều công ty công nghệ lớn đã thông báo cắt giảm nhân viên hoặc đóng băng tuyển dụng. Chẳng hạn như Stripe, công ty dịch vụ tài chính và phần mềm hàng đầu ở Thung lũng Silicon, đã thông báo rằng họ sẽ sa thải 14% lực lượng lao động. Hai người sáng lập công ty là Patrick Collison và John Collison thừa nhận đã quá lạc quan về tốc độ tăng trưởng của công ty mà không kiểm soát được các khoản chi phí gia tăng.

Stripe, một trong những công ty nổi tiếng nhất Thung lũng Silicon đã sa thải hàng loạt nhân sự. (Ảnh: BetaKit).

Sa thải ồ ạt

Về cơ bản, các lỗi mà Stripe mắc phải cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác. “Chúng tôi đã tuyển dụng quá nhiều khi thực sự không cần tới số lượng lớn như vậy”, những người sáng lập viết. Stripe đang nỗ lực cắt giảm 1.000 nhân viên, tức khoảng 14% lực lượng lao động của công ty, qua đó giảm số lượng nhân viên của công ty xuống 7.000 người.

Tình hình tương tự cũng đến với công ty thương mại điện tử Shopify, đơn vị đã bắt đầu mở rộng lực lượng lao động vào năm 2020 sau sự tăng trưởng của lĩnh vực mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Đến tháng 7, công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải 10% lực lượng lao động của mình, với lý do đây là một động thái cần thiết khi người dùng đang hạn chế mua sắm trực tuyến và quay trở lại thói quen mua sắm cũ tại cửa hàng truyền thống.

Cùng ngày Stripe thông báo về việc sa thải, Lyft cũng cho biết họ sẽ sa thải 13% nhân viên, tương đương gần 700 người. Lyft cho biết họ đang đánh giá lại lực lượng lao động của công ty trong bối cảnh lạm phát gia tăng và lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

“Chúng tôi biết ngày hôm nay sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm tới”, Logan Green và John Zimmer, những người sáng lập Lyft đã viết trong một bản ghi nhớ gửi tới nhân viên do CNN tổng hợp.

Trong một hồ sơ thông báo về việc sa thải, Lyft cho biết họ có thể sẽ phải chịu khoản phí tái cấu trúc từ 27 đến 32 triệu USD. Những người sáng lập Lyft đã viết trong bản ghi nhớ cho các nhân viên: “Chúng tôi không thể tránh khỏi thực tế rằng áp lực lạm phát đang tăng và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”. Giá cổ phiếu của công ty cho thuê xe này đã giảm gần 70% trong năm nay.

Twitter đã sa thải hàng loạt nhân viên khi Elon Musk lên nắm quyền. (Ảnh: Coinpage).

Một ngày sau, gã khổng lồ truyền thông xã hội Twitter cũng đã thông báo về việc sa thải hàng loạt, đồng thời lưu ý rằng các văn phòng sẽ bị khóa và quyền truy cập cũng bị đình chỉ khi CEO mới Elon Musk cắt giảm khoảng một nửa lực lượng lao động, tương đương 7.500 người.

“Với nỗ lực đưa Twitter đi theo một con đường lành mạnh, chúng tôi sẽ vượt qua quá trình khó khăn này. Một phần trong nỗ lực đó là giảm lực lượng lao động của Twitter trên toàn cầu”, theo một email được gửi tới tất cả nhân viên Twitter vào ngày 3/11. Thời điểm đó, Musk đã sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao của Twitter, bao gồm cả CEO công ty Parag Agrawal.

Tình hình ở Twitter gần giống với Meta, công ty mẹ của Facebook, đơn vị cũng đang lên kế hoạch sa thải nhân viên trên quy mô lớn sau khi công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp.

Việc sa thải ở Meta dự kiến ​​sẽ diễn ra trong tuần này, với kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm trong tổng số lao động 87.000 người của công ty. Thông báo này đã được đưa ra bởi chính CEO Mark Zuckerberg. Mark Zuckerberg từng tuyên bố rằng "giai đoạn sắp tới là một giai đoạn đòi hỏi cường độ làm việc tập trung cao hơn" và hy vọng Meta "sẽ hoàn thành nhiều việc hơn với nguồn nhân lực ít hơn”.

Đóng băng tuyển dụng

Trong khi việc sa thải nhân viên đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, ngày càng nhiều công ty công nghệ cũng đã bắt đầu đóng băng tuyển dụng. Ví dụ, Amazon chưa công bố đợt sa thải nào, nhưng đã đóng băng tuyển dụng trong mảng kinh doanh bán lẻ.

Gã khổng lồ Amazon đóng băng tuyển dụng. (Ảnh: Silicon Angle).

Hoạt động kinh doanh cửa hàng của Amazon bao gồm hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến và truyền thống, cũng như các hoạt động logistics. Trước khi đóng băng, hơn 10.000 đơn ứng tuyển đã được gửi tới Amazon liên quan tới các vị trí cho mảng kinh doanh này, theo New York Times.

Ngay cả nhà sản xuất iPhone, Apple, được cho là đã thực hiện việc đóng băng tuyển dụng của riêng mình trong tất cả bộ phận, ngoại trừ nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong một tuyên bố, Apple nói rằng họ sẽ tiếp tục thuê và tự tin vào tương lai của mình, nhưng với môi trường kinh tế hiện tại, "táo khuyết" đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng đối với một số bộ phận của doanh nghiệp.

Anh Nguyễn

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.