Rủi ro khủng hoảng gạo thế giới đang quay trở lại?
Cơm rang là món ăn ưa thích của người dân ở Lagos, thủ đô của Nigeria. Tuy nhiên, quản lý của một nhà hàng, ông Toni Aladekomo cho biết gần đây nhiều người đã ngừng gọi món này.
Ông Aladekomo, tổng giám đốc của Grey Matter Social Space, một nhà hàng hạng sang, cho biết giá của món ăn này tăng lên tới N4.000 (5,20 USD) từ N1.500 một năm trước. Điều này khiến cơm rang “không còn phù hợp với túi tiền của hầu hết người dân” tại đảo Victoria.
Theo Financial Times, ở Nigeria, cơm là món ăn được tiêu thụ phổ biến nhất nhưng giá trong tháng 8 tăng tới 46% so với cùng kỳ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati và sau đó đưa ra mức giá bán tối thiểu đối với gạo basmati và mức thuế 20% đối với gạo đồ.
Trong khi đó, Nigeria đang phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hai thập kỷ.
Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI ), cho biết: “Thật khó khăn khi một quốc gia chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu đưa ra lệnh cấm đối với một nửa số lượng họ xuất khẩu và áp thuế đối với nửa còn lại”.
Hậu quả trực tiếp của lệnh cấm hồi tháng 7 là tình trạng mua gạo hoảng loạn của người tiêu dùng ở châu Á và Bắc Mỹ cũng như các biện pháp ứng phó từ các quốc gia sản xuất gạo lớn khác.
Hiện tại, khi vụ thu hoạch lúa gạo của Ấn Độ đang diễn ra, các nhà nhập khẩu đang hy vọng sản lượng tốt hơn dự kiến, điều này có thể khiến chính phủ nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử sắp diễn ra ở quốc gia Nam Á này và giá lương thực là vấn đề nhức nhối đối Thủ tướng Narendra Modi.
Hiện tượng thời tiết El Niño, cũng là mối đe doạ với sản lượng trong năm tới do điều kiện trồng trọt thiếu nước.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu Ấn Độ duy trì biện pháp hạn chế hiện tại và các nhà sản xuất khác làm theo, thế giới sẽ có nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Thời điểm đó, sự lây lan của các chính sách bảo hộ đã góp phần khiến giá gạo tăng gấp ba lần trong sáu tháng. Điều này dẫn đến lạm phát trên toàn cầu và gây ra tình trạng bất ổn ở Bắc Phi, Nam Á và vùng Caribe.
- TIN LIÊN QUAN
-
Làn sóng bảo hộ: Nguồn cơn của rủi ro khủng hoảng gạo 24/10/2023 - 15:14
Tuy nhiên, lần này cuộc khủng hoảng có thể tồi tệ hơn do nhu cầu tăng vọt khi dân số tăng nhanh và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
Giá gạo đang tăng cao ở các nước sản xuất khác ngoài Ấn Độ. Giá gạo ở Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đã tăng 14% và 22% kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm.
Ông Arif Husain, chuyên gia kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, chỉ ra rằng các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang phải gánh chịu hàng loạt tai ương: giá lương thực tăng cao, nợ tăng vọt và tiền tệ mất giá.
Tích trữ và bạo loạn
Ấn Độ đã từng đưa ra các biện pháp hạn chế với gạo trong quá khứ. Nước này lần đầu tiên phản ứng vào năm 2007 khi giá các mặt hàng lương thực chủ yếu như lúa mì và ngô tăng mạnh do thời tiết xấu đe dọa sản lượng.
Nguồn cung gạo dồi dào nhưng áp lực tăng giá lương thực khiến chính phủ các nước tỏ ra quan ngại. New Delhi nhanh chóng áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Việt Nam, khi đó là nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, đã làm theo và áp đặt lệnh cấm vào tháng 1/2008. Giá gạo quốc tế tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 1.000 USD/tấn, do các nước xuất khẩu nhỏ hơn như Ai Cập và Pakistan cũng áp đặt các lệnh cấm tương tự. Nông dân tích trữ và bán gạo, chính phủ và người mua hàng dự trữ.
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, nhớ lại các kệ siêu thị ở Hồng Kông trống rỗng gạo.
Sự tức giận về giá lương thực kéo dài và cuối cùng kết hợp với sự bất mãn chính trị, ba năm sau góp phần gây ra Mùa xuân Arab.
Tại Ấn Độ, đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi đã ưu tiên kiểm soát giá lương thực trước một loạt cuộc bầu cử. Lạm phát lương thực từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở nước này và gạo là mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất.
Theo chính phủ, giá ngũ cốc đã tăng 11,5% trong năm nay trước khi lệnh cấm xuất khẩu được áp dụng. Cùng với đó, lượng xuất khẩu tăng mạnh trong cùng kỳ. Giá các mặt hàng chủ lực khác của Ấn Độ như cà chua và hành tây cũng tăng trong những tháng gần đây do mùa mưa bất ổn đã làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ Ấn Độ bảo vệ lệnh cấm như một bước cần thiết để bảo vệ an ninh lương thực trong nước trong bối cảnh lạm phát đáng lo ngại và mùa màng kém do thời tiết bất lợi. Nhiều người trong số 1,4 tỷ dân của Ấn Độ tiếp tục phải vật lộn với nghèo đói và suy dinh dưỡng.
Ông Avinash Kishore, nhà nghiên cứu cấp cao tại IFPRI ở New Delhi, cho biết: “Chúng tôi cần thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hơn vì các cuộc bầu cử cấp bang sắp diễn ra và các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới”.
Tuy nhiên, đối với nông dân trồng lúa và công ty xuất khẩu Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu là một đòn nặng nề.
Ông Kirti Kumar Dawar, người điều hành công ty xuất khẩu gạo Jaishree Xuất khẩu ở Haryana cho biết doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại lâu hơn nữa nếu không đạt được doanh số bán hàng toàn cầu. Dawar cho biết ông hiểu những lo ngại của chính phủ về an ninh lương thực, nhưng “phản ứng tức thời là sai lầm”.
Ông Ashok Gulati, nhà kinh tế và cố vấn lâu năm cho chính phủ Ấn Độ về chính sách nông nghiệp, cho biết: “Các nhà xuất khẩu phải mất nhiều năm để phát triển thị trường. Biện pháp của chính phủ không chỉ gây khó chịu cho các nhà xuất khẩu mà còn các nhà nhập khẩu. Các đối tác nhập khẩu có thể tìm đến mua hàng của những nước đối thủ”