Làn sóng bảo hộ: Nguồn cơn của rủi ro khủng hoảng gạo
Theo Financial Times, động thái hạn chế nguồn cung gạo xuất khẩu của Ấn Độ vướng phải sự chỉ trích của nhiều tổ chức trên thế giới. Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi New Delhi đảo ngược chính sách gây ảnh hưởng đến nguồn cung gạo thế giới.
Tháng trước, Mỹ cùng các quốc gia khác là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của các biện pháp hạn chế trong khi lượng dự trữ công của Ấn Độ vẫn đủ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Rủi ro khủng hoảng gạo thế giới đang quay trở lại? 24/10/2023 - 14:13
Một trong những mối lo ngại chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo có khả năng gây ra tác động lớn hơn cuộc khủng hoảng trước đó.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, không chỉ thị phần xuất khẩu của nước này tăng lên mà lượng gạo được giao dịch trên toàn thế giới còn tăng gấp đôi từ khoảng 5% năm 1999 lên hơn 10% hiện nay.
“Điều này làm cho rủi lây lan làn sóng bảo hộ gạo trên toàn cầu cao hơn, kéo theo rủi ro cuộc khủng hoảng gạo 2008 lặp lại cao hơn”, ông Neumann, chuyên gia phân tích của ngân hàng HSBC nhận định.
Ông Neumann nói thêm xu hướng bảo hộ đang gia tăng trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Các quốc gia khác ở châu Á đang làm theo Ấn Độ. Vào cuối tháng 8, Myanmar, nước xuất khẩu gạo lớn thứ năm thế giới, tuyên bố cũng sẽ cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này trong “khoảng 45 ngày”. Vài ngày sau, Philippines đưa ra mức trần giá gạo nhằm nỗ lực giảm chi phí tiêu dùng đang tăng cao.
Giá gạo tăng là trở ngại đáng kể cho các ngân hàng trung ương ở châu Á trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Ông Neumann cho biết, năm 2008, ban đầu các ngân hàng trung ương đã không thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với cú sốc nguồn cung gạo vì việc tăng lãi suất không tạo ra nhiều gạo hơn.
Nhưng ông lập luận rằng họ cần phải làm như vậy vào khoảng thời gian này vì thực phẩm có tác động không tương xứng đến kỳ vọng lạm phát, điều này quan trọng đối với các ngân hàng trung ương hơn là lạm phát thực tế.
“Mọi người đều biết giá một bao gạo ở Ấn Độ là bao nhiêu. Vì vậy, nếu giá tăng, điều đó ngay lập tức thúc đẩy thành phần kỳ vọng,” ông nói. Lúa không giống như rau, có chu kỳ thu hoạch ngắn và có thể bổ sung nhanh chóng. Do đó, các ngân hàng trung ương “có thể bỏ qua việc giá cà chua tăng trong hai tháng nhưng không thể bỏ qua việc giá ngũ cốc tăng vọt trong chín tháng”.
Khu vực châu Á đang cố gắng bảo vệ nguồn cung cấp của chính mình. Các thành viên của ASEAN, bao gồm 3 trong số 5 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất, đã cam kết không sử dụng các rào cản thương mại “phi lý” vào tháng 9. Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia nói với truyền thông nhà nước trong tháng này rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý ưu tiên cung cấp gạo cho các quốc gia Đông Nam Á.
Chủ nghĩa bảo hộ này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các quốc gia ở Tây Phi. Ông Husain, chuyên gia của Chương trình Lương thực Thế giới, nhánh định các nước Tây Phi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Ví dụ, ở Togo, trong năm 2022, gần 88% lượng gạo nhập khẩu đến từ Ấn Độ. Với Benin, nước nhập khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới , tỷ lệ này cũng lên tới 66%.
Ông cho biết, hiện tại, Senegal có dự trữ gạo, nhưng nếu Ấn Độ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế và giá quốc tế không giảm, nước này sẽ buộc phải nhập khẩu các loại gạo khác từ Brazil hoặc Mỹ, đắt hơn gạo Ấn Độ mà họ vẫn thường nhập.
Bài toán lớn từ biến đổi khí hậu
Cuộc khủng hoảng gạo vừa qua chấm dứt sau khi Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam cam kết thúc đẩy xuất khẩu và chi phí vận chuyển giảm.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng khó khăn hiện nay không dễ dàng khắc phục được. 15 năm trước thế giới không thiếu ngũ cốc, nhưng hiện nay không còn như vậy nữa.
Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050 với mức tăng trưởng lớn nhất ở Châu Phi và Châu Á. Các nhà nghiên cứu ước tính sự gia tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về gạo lên gần 30%, nhưng sản lượng không theo kịp.
Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí học thuật Nature Food, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng nhờ phát triển các giống mới, năng suất đang trì trệ ở bốn quốc gia sản xuất lúa gạo lớn ở Đông Nam Á.
Trên toàn cầu, theo dữ liệu của Liên Hợp quốc, năng suất trung bình tăng 0,9%/năm trong giai đoạn 2011-2021, giảm so với mức 1,2%/năm trong giai đoạn 2001-2011.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thụt lùi này là do biến đổi khí hậu. Ông Bjoern Ole Sander, một nhà khoa học khí hậu ở Thái Lan, cho biết vì lúa mọc ở vùng có khí hậu nóng, 90% lúa gạo trên thế giới được sản xuất ở châu Á, người ta thường cho rằng tăng thêm một vài độ sẽ không thành vấn đề. Nhưng thực tế không phải như vậy. Sander giải thích, nếu nhiệt độ cao hơn mức lý tưởng, năng suất lúa giảm và hạt gạo đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ ban đêm.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C có khả năng làm giảm năng suất lúa trung bình 3,3%. Nhiệt độ đã tăng ít nhất 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.
Mô hình hóa dự báo của nhóm dữ liệu hàng hóa Gro Intelligence cho rằng đến năm 2100, các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á sẽ có số ngày nhiệt độ trên 35 độ C tăng mạnh. Trong đó, trường hợp xấu nhất, Thái Lan có khả năng sẽ có thêm 188 ngày trên ngưỡng này.
Đối với các vùng đồng bằng sản xuất lúa gạo của châu Á, từ sông Mê Kông đến sông Hằng, biến đổi khí hậu có thể gây ra những biến chứng khác.
Khi nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao và nước mặn chảy vào sông nước ngọt, kênh tưới tiêu và đất, làm giảm sản lượng hoặc khiến người dân không thể trồng trọt.
Năm nay các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với El Niño. Ông Sander cho biết hiện tượng thời tiết này kết hợp với những tác động của biến đổi khí hậu có thể dẫn đến lượng mưa ít hơn ở các vùng trồng lúa. Ít mưa hơn đồng nghĩa với việc có ít nước ngọt từ sông chảy xuống để cuốn trôi lượng muối dư thừa.
Ấn Độ đang chờ đợi để đo lường tác động của thời tiết năm nay đối với sản xuất lúa gạo. Trong khi đó, Bộ nông nghiệp Thái Lan gần đây dự báo rằng vụ mùa của nước này sẽ thấp hơn dự kiến sau khi lượng mưa dưới mức trung bình vào tháng 9 và tháng 10.
Theo các chuyên gia thời tiết, El Niño sẽ còn kéo dài sang năm tới. Ông Neumann cho biết điều này sẽ có nguy cơ khiến nguồn cung gạo trên thị trường toàn cầu bị thắt chặt hơn nhiều.
Ông cảnh báo rằng đây không chỉ là vấn đề về giá gạo trong ngắn hạn mà còn là vấn đề về cách thế giới đối phó với các kiểu thời tiết ngày càng thất thường, cộng thêm sự biến động của giá lương thực toàn cầu.
Đối với ông Husain, giải pháp cho tình hình hiện tại là thúc đẩy hoạt động thương mại gạo. Nhưng ông lo ngại rằng khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ có thể ngày càng đóng cửa biên giới và tránh xa thị trường toàn cầu.