|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Reuters: VinFast sẵn sàng đối đầu Tesla trên đất Mỹ

17:25 | 30/04/2021
Chia sẻ
VinFast đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ, hy vọng rằng các dòng ô tô điện của mình cùng với mô hình cho thuê pin sẽ thu hút khách hàng hơn những tên tuổi bản xứ như Tesla hay General Motors.
Reuters: VinFast sẵn sàng đối đầu Tesla trên đất Mỹ - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất ô tô của VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: vinfastauto.com).

VinFast mới gia nhập ngành ô tô chưa lâu nhưng đã đứng thứ 5 về doanh số thị trường tại Việt Nam. Hãng xe của Tập đoàn Vingroup thậm chí còn có tham vọng vươn ra biển lớn thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ với vốn hóa có thể lên tới 60 tỷ USD.

Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Nguyễn Thị Vân Anh – CEO của VinFast cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch ra mắt ô tô điện ở Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2022. Như vậy, VinFast đã sẵn sàng cạnh tranh trong một thị trường nhiều đối thủ, từ Tesla của tỷ phú Elon Musk cho tới hàng loạt công ty đang thua lỗ nhưng được Phố Wall ưa thích.

"Chúng tôi sẽ cùng lúc tiến vào thị trường Mỹ, Canada và châu Âu. Ở châu Âu, mục tiêu của chúng tôi là Đức, Pháp và Hà Lan", bà Vân Anh nói trong một cuộc phỏng vấn ở nhà máy VinFast tại Hải Phòng.

Reuters: VinFast sẵn sàng đối đầu Tesla trên đất Mỹ - Ảnh 2.

VinFast được chống lưng bởi Vingroup. Reuters so sánh vị thế của Vingroup ở Việt Nam cũng giống như các tập đoàn đa ngành chaebol ở Hàn Quốc.

Khởi đầu là một cơ sở sản xuất mỳ ăn liền ở Ukraine, Vingroup giờ đây đã trở thành một đế chế khổng lồ gồm nhiều mảng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế, viễn thông, … Con đường đi lên thần tốc của VinFast cũng giống như quá trình tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tuy có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công ty mẹ nhưng đối thủ của VinFast cũng rất sừng sỏ. General Motors, Toyota và Volkswagen đều đã chi hàng chục tỷ USD để phát triển các mô hình xe điện và xe tự lái.

VinFast được thành lập năm 2017 và đã chiêu mộ một số cựu quản lý của General Motors. Hãng xe Việt Nam này đặt mục tiêu cạnh tranh cả về kích thước xe lẫn giá cả. CEO Nguyễn Thị Vân Anh hứa hẹn VinFast sẽ cho ra một mẫu SUV chạy điện "sang trọng hơn" các loại hiện có trên thị trường.

Xe của VinFast cũng sẽ được bàn giao theo mô hình cho thuê pin, tức là giá thành của pin – bộ phận đắt đỏ nhất trong một chiếc xe điện – sẽ không bao gồm trong giá bán xe.

"Tôi sẽ cho người tiêu dùng một sản phẩm tốt hơn. Tôi sẽ mang đến một chiếc SUV với không gian rộng rãi hơn", bà Vân Anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng từ tháng sau bà sẽ chuyển nhà từ Hà Nội đến Los Angeles để quản lý hoạt động của VinFast tại Mỹ.

Theo một tài liệu được VinFast chuẩn bị cho các nhà đầu tư tiềm năng, xe của hãng sẽ rẻ hơn so với các mẫu xe điện khác.

CEO Nguyễn Thị Vân Anh cho biết hai trong ba mẫu xe điện của VinFast sẽ được tung ra thị trường Mỹ, dự kiến doanh số khoảng 45.000 chiếc mỗi năm.

Reuters: VinFast sẵn sàng đối đầu Tesla trên đất Mỹ - Ảnh 3.

Lợi thế của VinFast so với đối thủ?

Việc một hãng xe châu Á chinh phục thị trường Mỹ đã từng có tiền lệ. Toyota trong thập niên 1970 và Hyundai trong những năm 1980 đã vượt qua những nghi ngại ban đầu nhờ sản phẩm chất lượng và dần dần chiếm lĩnh thị phần từ tay các nhà sản xuất Mỹ.

VinFast năm ngoái bán khoảng 30.000 ô tô tại Việt Nam. Ở Mỹ, cuộc chiến sẽ càng khó khăn hơn.

Ông Bill Russo, Giám đốc công ty tư vấn Automobility tại Thượng Hải và là một cựu quản lý của hãng xe Chrysler nhận định: "Thách thức lớn nhất của VinFast là thuyết phục người tiêu dùng rằng công ty có một sản phẩm tốt và mức giá hấp dẫn".

"Xe của VinFast có hình thức ổn, nhưng chừng đó chỉ đủ để gia nhập cuộc chơi thôi. Muốn chiến thắng, VinFast sẽ cần có một công nghệ hoặc lợi thế về mô hình kinh doanh so với các đối thủ", ông Russo nói thêm.

Reuters: VinFast sẵn sàng đối đầu Tesla trên đất Mỹ - Ảnh 4.

Theo ước tính của VinFast, chi phí thuê pin hàng tháng tương đương với chi phí mua xăng. Với giá xăng hiện tại là 19.000 đồng/lít và mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 7,8 lít/100 km, chi phí đổ xăng ước tính khoảng 1.482 đồng/km.

Còn phí thuê bao hàng tháng với pin ô tô điện VinFast là 1,45 triệu đồng cho quãng đường tối đa 1400 km (mức di chuyển trung bình hàng tháng ít nhất của một ô tô). Nếu di chuyển quá quãng đường 1400 km, khách hàng trả thêm 998 đồng/km.

Theo giá điện sinh hoạt bậc 5 hiện tại (3.117 đồng/kW) và mức tiêu hao năng lượng trung bình 15,52 kW/100 km, chi phí tiền điện sạc xe ước tính là 484 đồng/km.

Tổng cộng, chi phí thuê pin và sạc điện là 1.482 đồng/km, bằng với chi phí đổ xăng tính trên mỗi km di chuyển.

Chế độ thuê pin của VinFast giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mua xe. Khách hàng không sở hữu pin mà chỉ sở hữu xe, VinFast cam kết chịu mọi rủi ro về chất lượng và tuổi thọ pin. Khi khả năng tiếp nhận sạc của pin giảm xuống dưới 70%, VinFast sẽ đổi pin mới cho khách hàng.

VinFast tin tưởng rằng mô hình cho thuê pin sẽ giành được cảm tình của khách hàng ở Mỹ.

Mô hình cho thuê pin tương tự đã được triển khai tại Trung Quốc bởi Nio – công ty xe điện do Tencent góp vốn. Mẫu SUV ES6 của Nio có giá từ 358.000 nhân dân tệ, tương đương 55.272 USD.

Ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn xe hơi ZoZo Go cho rằng không có nhà sản xuất xe điện nào có thể cạnh tranh với Tesla trong tương lai gần vì tập đoàn của tỷ phú Elon Musk có lợi thế trên hầu hết mọi khía cạnh.

"Tin tốt là những công ty như VinFast không cần phải đánh bại Tesla mới giành chiến thắng. Những gì mà VinFast phải làm là thuyết phục một phần trong số 65 triệu người mua xe hơi chạy xăng năm 2020 chuyển sang mua xe điện", ông Dunne cho hay.

Nhà máy của VinFast ở Việt Nam có khả năng sản xuất 250.000 xe mỗi năm và hãng này dự kiến sẽ bán hàng ở Mỹ thông qua kênh online, không cần sử dụng hệ thống đại lý tốn kém. Cho đến nay, mẫu xe điện VF e34 của VinFast đã có 15.000 đơn đặt hàng trước ở Việt Nam.

Công ty cũng đã thuê ông Jeremy Snyder – một người có kinh nghiệm 10 năm làm việc cho Tesla – làm Giám đốc Phát triển thị trường Mỹ.

Trao đổi với Reuters, ông Snyder cho biết ông là nhân sự đầu tiên của Tesla trên đất Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, tổng số lao động toàn thời gian và nhân viên tư vấn của VinFast ở đất nước cờ hoa đã lên tới khoảng 100 người.

Lên sàn nhờ SPAC?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – nhà sáng lập của Vingroup – từng cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ USD tiền túi vào mảng sản xuất xe hơi. Vingroup cũng đã rót hàng trăm triệu USD vào VinFast nhờ phát hành trái phiếu quốc tế và bán bớt cổ phần tại các công ty con khác.

Để đẩy mạnh tăng trưởng, VinFast sẽ còn cần nhiều tiền hơn nữa. Hiện nay, hãng xe này đang lên kế hoạch huy động vốn từ cơn sốt chứng khoán tại Mỹ thông qua việc sử dụng các công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay còn gọi tắt là SPAC.

CEO Nguyễn Thị Vân Anh từ chối bình luận về kế hoạch hút vốn ở Mỹ, nhưng ba nguồn tin của Reuters cho biết VinFast đang thiên về phương án sử dụng SPAC.

Các quan chức của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ sớm đến Việt Nam để gặp các lãnh đạo Vingroup và làm việc về phương án niêm yết, hai nguồn tin của Reuters cho hay.

Nếu thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết ở Mỹ. Bamboo Airways – hãng hàng không của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết – cũng đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ nhằm huy độn 200 triệu USD, vốn hóa mục tiêu 4 tỷ USD.

"Niêm yết khi nào, bằng cách nào, sử dụng SPAC hay một phương án khác, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định đúng đắn", nữ CEO VinFast nói.

Hiện có hàng trăm SPAC đang tìm kiếm công ty để mua lại và đưa lên sàn. Các nhà đầu tư thì đang lùng sục khắp nơi để xác định xem cái tên nào sẽ trở thành Tesla tiếp theo. Năm ngoái, cổ phiếu Tesla tăng sốc 720%, đưa CEO Elon Musk thăng hạng từ vị trí số 31 lên số 2 trong danh sách người giàu nhất toàn cầu.

Hãng xe điện Nio của Trung Quốc năm ngoái bán 44.000 xe (tương đương mục tiêu của VinFast tại Mỹ) và ghi nhận lỗ ròng 860 triệu USD. Dù vậy, cổ phiếu Nio niêm yết tại New York vẫn có vốn hóa lên tới 67 tỷ USD.

Hàng loạt startup trong lĩnh vực xe điện năm ngoái được định giá nhiều tỷ USD dù không có sản phẩm nào sẵn sàng để bán. Tuy nhiên đầu năm 2021, các cổ phiếu này đã lao dốc không ít.

VinFast muốn tạo dấu ấn riêng so với các startup xe điện khác. "Thử nhìn vào một số thương vụ SPAC diễn ra thời gian qua mà xem, bọn họ không có những gì mà chúng tôi đang có", CEO Nguyễn Thị Vân Anh nói. "Cho dù chúng tôi không có sản phẩm trên thị trường quốc tế nhưng chúng tôi có sản phẩm ở Việt Nam".

Đức Quyền - Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.