|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Financial Times: Vingroup đang dồn lực đưa thương hiệu VinFast 'Mỹ tiến'

15:25 | 02/06/2021
Chia sẻ
Vingroup muốn đưa thương hiệu xe còn non trẻ VinFast thâm nhập vào Mỹ, một trong các thị trường xe hơi cạnh tranh nhất thế giới. Không chỉ xe hơi, tập đoàn còn kỳ vọng bán thêm các loại xe cao cấp như ô tô điện.

Mục tiêu tham vọng

Financial Times đưa tin, Vingroup - tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đang có kế hoạch đưa thương hiệu xe VinFast ra thị trường toàn cầu.

Theo đó, Vingroup đang muốn thâm nhập vào Mỹ, một trong các thị trường xe hơi cạnh tranh nhất thế giới. Không dừng lại ở xe hơi, tập đoàn còn tham vọng bán thêm các loại xe cao cấp, chẳng hạn như ô tô điện - một phân khúc mà VinFast chỉ mới tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng.

Đầu năm nay, VinFast đã nhận được giấy phép thử nghiệm xe tự lái trên đường phố California, trước VinFast từng có "người đàn anh" Tesla. Hơn nữa, Vingroup còn cho thấy ý định xây dựng một nhà máy ở Mỹ sau khi thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Ô tô (R&D) tại San Francisco.

Mục tiêu cuối cùng của VinFast là chinh phục người tiêu dùng tại thị trường xe hơi lớn thứ hai thế giới. Vị tướng, nhà chính trị tài ba Julius Caesar từng có câu "Veni, Vidi, Vici" (tạm dịch: Ta đến, ta thấy, ta chinh phục) thì VinFast đang có tham vọng "Veni, Vidi, VinFast".

Financial Times: Vingroup dồn lực cho thương hiệu VinFast 'Mỹ tiến' - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy VinFast ở Hải Phòng. (Ảnh: Bloomberg).

Financial Times cho rằng, mục tiêu cao ngất của VinFast là một bước nhảy vọt về niềm tin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập Vingroup và hiện cũng là người giàu nhất Việt Nam. Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng đã đầu tư 2 tỷ USD tài sản riêng vào thương hiệu xe hơi VinFast.

Ngoài ra, VinFast cũng đang cân nhắc niêm yết tại Mỹ hoặc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (tức SPAC). Tuần trước, VinFast cho biết cố vấn của thương vụ niêm yết tại Mỹ bao gồm JPMorgan và Deutsche Bank. Chia sẻ với Financial Times, Vingroup cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo thích hợp nếu đạt được thỏa thuận".

Hồi tháng 4 năm nay, Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết VinFast đang đặt mục tiêu định giá khoảng 60 tỷ USD, con số này cao hơn vốn hóa thị trường hiện nay của thương hiệu xe hơi 117 năm tuổi Ford Motor.

Đưa VinFast đặt chân lên đất Mỹ

VinFast chỉ vừa nhảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô từ năm 2019 và bán được khoảng 30.000 chiếc trong năm ngoái. Vingroup đề ra các kế hoạch tham vọng như vậy trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty tư nhân lớn xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), bình luận: "Việt Nam đang muốn đẩy mạnh công nghiệp hóa và coi ngành chế tạo ô tô là mũi nhọn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như để phát triển thương hiệu xe hơi toàn cầu".

"VinFast cũng là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam", ông Hiệp nói thêm. Việt Nam thường bị so sánh với Trung Quốc cách đây 20 năm, khi mà nền kinh tế cất cánh nhờ đầu tư nước ngoài và vẫn chủ yếu gia công sản phẩm cho doanh nghiệp ngoại.

Đưa ra chủ trương mới là vậy, song Việt Nam chưa thực sự có một doanh nghiệp đầu đàn để mang thương hiệu "Made in Vietnam" ra thị trường thế giới. Mãi cho đến gần đây, Vingroup mới đảm đương trọng trách này, Financial Times cho hay.

Trong 10 năm qua, từ lĩnh vực bất động sản và nghỉ dưỡng, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nay đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như bán lẻ (VinMart), điện thoại và tivi (VinSmart) hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Thông thường, Vingroup sẽ bắt tay với các đối tác nước ngoài. Chẳng hạn, VinFast đã mua bản quyền của BMW và thuê hãng thiết kế Pininfarina để phát triển những dòng xe đầu tiên.

Hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã rút khỏi một số mảng kinh doanh để dồn sức cho VinFast. Đầu năm ngoái, Vingroup từ bỏ kế hoạch xây dựng một hãng hàng không, ngay trước khi đại dịch COVID-19 tấn công Việt Nam. Sau đó, Vingroup bán mảng bán lẻ VinMart cho Tập đoàn Masan. Và gần đây nhất, gã khổng lồ này cũng dừng chân trong cuộc dạo chơi với VinSmart.

Bình luận về tham vọng "Mỹ tiến" của VinFast, ông Michael Dunne - CEO của công ty tư vấn ô tô Zozo Go, cho hay: "Tương tự như bất kỳ công ty khởi nghiệp nào khác trong lĩnh vực xe điện, VinFast sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chen chân vào thị trường Mỹ".

"Làm thế nào VinFast có thể thuyết phục người tiêu dùng Mỹ mua sản phẩm của một hãng xe còn quá mới?", ông Dunne đặt câu hỏi. Chưa kể, trong lĩnh vực xe điện còn có nhiều rào cản khác như trạm sạc.

VinFast sẽ đặt chân đến đất Mỹ như thế, tất cả còn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, ông Dunne cho rằng VinFast cũng có thể hưởng lợi từ sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Biden đối với xe điện cũng như trước thực tế là thị trường xe điện vẫn còn rất non trẻ.

"VinFast có cơ hội chinh phục khách hàng và nắm bắt thị trường trước khi lĩnh vực này trở nên đông đúc hơn", Financial Times dẫn lời CEO Michael Dunne nhận định.

Yên Khê