VinFast có thể dùng SPAC để lên sàn Mỹ, vậy SPAC là gì và ưu điểm ra sao?
Thông báo của Tập đoàn Vingroup ngày 14/4 nêu: "Vingroup muốn làm rõ rằng công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt, hoặc các giao dịch khác".
Công ty mua lại mục đích đặc biệt (Special purpose acquisition company - SPAC) là các công ty rỗng, không có hoạt động thương mại nào. Mục đích duy nhất của SPAC là huy động vốn thông qua IPO để hợp nhất hoặc mua lại một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn. Thông thường, SPAC được tạo ra hoặc được tài trợ bởi 1 nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Quá trình trên thường mất hai năm. Nếu không tìm được đối tượng để mua lại trong khung thời gian đó, SPAC sẽ giải thể và hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư.
Cơn sốt SPAC lan khắp Phố Wall
SPAC lần đầu xuất hiện từ những năm 1980. Trong một thời gian dài, cổ phiếu do SPAC phát hành thường là cổ phiếu penny. Những năm trước đây, các doanh nghiệp ít khi sử dụng SPAC để huy động vốn hay lên sàn.
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ. Lãi suất siêu thấp thổi bùng đà tăng của cổ phiếu, bitcoin, tài sản tài chính. Bị thôi thúc bởi lòng tham và sự buồn chán vì phải ở trong nhà, hàng triệu nhà đầu tư nghiệp dư rót tiền và các cổ phiếu meme như GameStop – và cả SPAC.
Sự bùng nổ của SPAC chủ yếu tập trung ở thị trường Mỹ. Năm 2019, 59 SPAC được thành lập và huy động 13,6 tỷ USD. Năm sau, số liệu nhảy lên thành 226 SPAC và 83,3 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2021, các SPAC mới ra đời đã hút được hơn 87 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2020. Số thương vụ sáp nhập SPAC đang vượt xa các cuộc IPO truyền thống.
Một trong những thương vụ lớn gần đây nhất là hãng sản xuất xe điện Lucid Motors sáp nhập với SPAC của nhà đầu tư nổi tiếng Michael Klein. Vốn hóa công ty sau sáp nhập nhanh chóng leo lên tới khoảng 57 tỷ USD – cao hơn cả giá trị thị trường của Ford, Bloomberg cho biết.
Rủi ro của SPAC
Công ty mục tiêu có rủi ro là bị các cổ đông của SPAC từ chối mua lại. Còn rủi ro đối với nhà đầu tư là họ không có đủ thông tin.
Tuy quy trình sáp nhập SPAC đòi hỏi sự minh bạch liên quan đến công ty mục tiêu, ông Lloyd Bankfein, cựu CEO Goldman Sachs gần đây nói với CNBC rằng việc thẩm định chi tiết của SPAC không chặt chẽ như IPO truyền thống.
Ông Blankfein nói thêm rằng các nhà tài trợ SPAC không có động lực để ra giá hợp lý cho công ty mục tiêu, họ có thể trả giá quá cao.
Một số thương vụ SPAC có kết quả khá tốt. Ví dụ, giá cổ phiếu công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson tăng vọt sau khi lên sàn. Tuy nhiên, hãng Renaissance Capital chỉ ra rằng trong giai đoạn 2015-2020, lợi nhuận bình quân của nhà đầu tư từ các thương vụ sáp nhập SPAC thấp hơn các cuộc IPO truyền thống.
Ưu điểm của SPAC
Sáp nhập với SPAC cho phép các công ty lên sàn dù không đáp ứng được điều kiện niêm yết. Các sàn giao dịch danh giá như NYSE hay Nasdaq có tiêu chuẩn rất khắt khe.
Sáp nhập với SPAC cho phép công ty lên sàn và tiếp cận vốn nhanh hơn hẳn so với IPO thông thường. Một thương vụ SPAC thường có thể được hoàn thành trong 3-4 tháng, trong khi đó đăng ký IPO với Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) có thể mất tới nửa năm.
Công ty mục tiêu có thể thương lượng mức định giá cố định của riêng mình với các nhà tài trợ SPAC.
Việc sử dụng SPAC làm giảm chi phí tư vấn và bảo lãnh phát hành phải trả cho các ngân hàng đầu tư.
Ngoài ra, yêu cầu công bố thông tin khi lên sàn qua SPAC bớt chặt chẽ hơn so với khi IPO trực tiếp rất nhiều. Vì vậy, các công ty muốn lên sàn mà không muốn tiết lộ quá nhiều thông tin về hoạt động sẽ ưa thích sử dụng SPAC.
Chính những ưu điểm kể trên đã giúp xu hướng sử dụng SPAC bùng nổ trong những năm gần đây.