|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Reuters: Tháng 8 tới, Arab Saudi sẽ tiếp tục tăng giá bán dầu sang châu Á

12:00 | 30/06/2022
Chia sẻ
Sau khi gây bất ngờ cho thị trường bằng việc tăng giá bán dầu sang châu Á hồi tháng 7, gã khổng lồ ngành năng lượng Arab Saudi dự kiến sẽ tiếp tục nâng giá cho các lô hàng giao tháng 8 tới.

Cơ sở lọc dầu Ras Tanura của Saudi Aramco - tập đoàn dầu khí quốc gia của Arab Saudi. (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Arab Saudi có thể sẽ nâng giá các sản phẩm dầu thô sang châu Á tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 8 tới.

Theo đó, giá bán chính thức cho dầu Arab Light của Arab Saudi có thể tăng khoảng 2,4 USD/thùng so với tháng trước. Qua đó, giá loại dầu này trong tháng 8 có thể lên sát mức kỷ lục từng xác lập vào tháng 5.

Hồi tháng 7, Arab Saudi đã tăng giá dầu của thị trường châu Á lên mức cao hơn dự kiến. Cụ thể, giá bán chính thức đối với dầu Arab Light tăng 2,1 USD/thùng. So với báo giá của Oman/Dubai, mức giá của Arab Saudi cao hơn 6,5 USD/thùng.

Mức nâng giá bán của Arab Saudi cao hơn nhiều so với hầu hết dự báo của thị trường - vốn chỉ dự kiến tăng khoảng 1,5 USD/thùng. Chỉ một trong 6 chuyên gia mà Reuters phỏng vấn dự đoán mức tăng 2 USD/thùng.

Liên quan tới giá dầu dự kiến cho tháng 8, một nguồn tin chia sẻ với Reuters: “Biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đang rất ổn định và chúng tôi tin rằng nhu cầu của châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới”.

Quả thực, biên lợi nhuận của các cơ sở lọc xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay ở châu Á đã tăng kỷ lục trong tháng 6 nhờ vào việc nhu cầu đi lại của người dân phục hồi, sau khi các hạn chế COVID được nới lỏng.

Ngoài ra, chênh lệch giữa giá giao ngay của dầu Oman (một trong các loại dầu tiêu chuẩn của thị trường châu Á) và dầu Dubai chua vừa đã leo lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3, trong khi với dầu Murban chua nhẹ đã tăng lên mức kỷ lục hồi tuần trước.

Thông qua một cơ chế dựa vào mức chênh lệch giá giữa tháng đầu tiên và tháng thứ ba đối với dầu thô Dubai (một loại dầu tiêu chuẩn của thị trường Trung Đông), Arab Saudi sẽ quyết định nên tăng hay giảm giá bán chính thức của dầu Arab Light.

Trong tháng này, mức chênh lệch đã tăng trung bình 2,47 USD/thùng, thị trường xảy ra hiện tượng “bù hoãn bán” - tức giá giao ngay cao hơn giá giao sau, chứng tỏ nguồn cung đang bị siết chặt.

Các nhà sản xuất lớn như Arab Saudi và UAE trước đó đã cảnh báo rằng công suất dự phòng của họ đang khá eo hẹp, trong khi bất ổn chính trị ở Libya và Ecuador có thể khiến nguồn cung trở nên khan hiếm hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô mới cho các nhà máy lọc dầu tư nhân ở mức 52,7 triệu tấn - tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó sẽ cho phép doanh nghiệp Trung Quốc mua thêm dầu từ thị trường toàn cầu, qua đó kéo giá dầu lên cao hơn.

Mức giá chính thức mà Arab Saudi ấn định cho các sản phẩm dầu thô của nước này thường cũng sẽ tác động tới mức giá của Iran, Kuwai và Iraq. Các nước Trung Đông này hiện xuất khẩu khoảng 9 triệu thùng dầu đến châu Á mỗi ngày.

Tập đoàn Saudi Aramco của Arab Saudi nhiều khả năng sẽ công bố giá bán chính thức sau cuộc họp của OPEC+ vào hôm nay (ngày 30/6). Ban lãnh đạo của Aramco thường không bình luận về giá bán dầu của Riyadh vì vấn đề chính sách.

Khả Nhân