|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rác thải nhựa chồng chất chờ xử lí, đe dọa ngành tái chế châu Á

21:07 | 02/05/2020
Chia sẻ
Dịch Covid-19 đang đe dọa ngành tái chế châu Á. Chất thải chất đống khắp nơi, nhưng các công ty tái chế không thể thu gom hiệu quả.

Theo Nikkei Asian Review, có 8 triệu tấn rác thải xâm nhập vào đại dương mỗi năm, trong đó 60% đến từ châu Á. Ô nhiễm nhựa dường như đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu khẩn cấp.

Công ty đầu tư mạo hiểm Singapore Circulate Capitalhuy động 106 triệu USD từ các công ty để đầu tư vào các doanh nghiệp châu Á có những giải pháp xử lý vấn đề này.

Tháng 4/2020, Circulate thực hiện khoản đầu tư đầu tiên - 6 triệu USD - vào 2 công ty khởi nghiệp tái chế nhựa Lucro Plasticycle ở Mumbai, Ấn Độ và Tridi Oasis ở Jakarta, Indonesia. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng nổ làm thay đổi mọi thứ.

“Các kế hoạch kinh doanh mà chúng tôi đã đầu tư vào, tất cả đều dựa trên các giả định và kịch bản trước khi Covid-19 xuất hiện”, CEO Circulate Rob Kaplan, nói với Nikkei Asian Review.

Đe dọa ngành tái chế

Tác động của đại dịch bắt đầu đe dọa toàn bộ ngành tái chế châu Á. Hầu hết quốc gia ban hành lệnh phong tỏa xã hội khiến nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ lao đao, trong đó có các công ty hoạt động trong lĩnh vực thu gom và phân loại rác thải cung cấp cho các nhà tái chế.

Giá dầu lao dốc khiến hàng loạt nhựa nguyên chất rẻ tiền tràn ngập thị trường, làm giảm khả năng cạnh tranh của vật liệu tái chế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng góp phần khiến các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhạy cảm hơn về giá cả và không chú ý nhiều đến nhựa tái chế. Họ có xu hướng hy sinh tính bền vững.

Một hậu quả không lường trước khác là dịch Covid-19 đã chuyển hướng sự chú ý của mọi người khỏi vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm, bao gồm cả chiến dịch toàn cầu chống lãng phí.

Rác thải nhựa chồng chất chờ xử lí, đe dọa ngành tái chế châu Á - Ảnh 1.

Lệnh phong tỏa khiến các công nhân làm công việc thu gom và phân loại rác thải không thể làm việc. Ảnh: Reuters.

“Bây giờ câu hỏi lớn nhất là: 'Làm thế nào để người tiêu quan tâm trở lại vấn đề rác thải nhựa?' Chúng tôi hoạt động vì sự phẫn nộ của người tiêu dùng. Sự phẫn nộ đó liệu sẽ còn tồn tại trong 6-12 tháng nữa?”, ông Kaplan đặt câu hỏi.

Các vấn đề phát sinh về quản lý chất thải trong đại dịch đặc biệt rõ ràng ở Ấn Độ, nơi ước tính có khoảng 2 triệu công nhân bán thời gian làm công việc thu gom và phân loại vật liệu có thể tái chế để cung cấp cho các đơn vị xử lý.

Ông Chitra Mukherjee thuộc Chintan, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Lệnh phong tỏa đất nước vào tháng 3 đã khiến nhiều công nhân rơi vào tình trạng khá tuyệt vọng. Điều này đe dọa trực tiếp đến công việc mưu sinh và cuộc sống của họ”.

Giá cả là thách thức lớn

Ông Ujwal Desai, CEO Lucro Plasticycle, công ty chuyên xử lý nhựa dẻo khó tái chế, nói ngoại trừ các cơ sở sản xuất túi đựng chất thải y tế, mặt nạ và các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe khác, tất cả các nhà máy của hãng đều đóng cửa.

“Ở Ấn Độ, tái chế không được coi là một hoạt động kinh doanh thiết yếu, vì vậy chúng tôi đã phải ngừng tất cả các hoạt động”, Desai nói. “Mặc dù chất thải đang chất đống tại các nhà cung cấp, nhưng Lucro không thể thu gom”.

Tuy nhiên, ông Desai cho biết công ty đang thúc đẩy các kế hoạch nhằm tăng gấp 5 lần công suất xử lý, hỗ trợ cho nhu cầu tái chế mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Mới đây, chính phủ bang Maharashtra, bang đông dân thứ 2 của Ấn Độ với hơn 120 triệu dân, cho biết bao bì công nghiệp được sản xuất tại bang này phải bao gồm ít nhất 20% vật liệu tái chế.

Rác thải nhựa chồng chất chờ xử lí, đe dọa ngành tái chế châu Á - Ảnh 2.

Rác thải nhựa chất đống nhưng không được thu gom và xử lý. Ảnh: Getty Images.

Chính quyền trung ương Ấn Độ cũng xem xét lệnh cấm toàn diện đối với nhựa sử dụng một lần vào năm 2022 nhưng đã trì hoãn trong việc ban hành điều luật. Điều đó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với nhựa tái chế được xử lý tại địa phương, ông Desai nói.

Tại Indonesia, nước xả nhựa ra đại dương lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, bà Dian Kurniawati, CEO Công ty tái chế Tridi Oasis, cho biết cũng đang lên kế hoạch tăng quy mô công suất tái chế.

Bà Kurniawati khẳng định hầu hết khách hàng của Tridi Oasis là doanh nghiệp quốc tế, nhưng những công ty hàng tiêu dùng Indonesia bắt đầu chịu áp lực xã hội để sử dụng vật liệu tái chế được sản xuất tại địa phương.

“Các công ty lớn vẫn sẽ tiếp tục quan tâm đến nhựa tái chế, bất chấp khủng hoảng. Những công ty nhỏ thường bị ảnh hưởng bởi chi phí”, bà nói.

Giá cả đang nổi lên như một thách thức lớn đối với các nhà tái chế.

Beau Baconguis, điều phối viên châu Á - Thái Bình Dương của Break Free From Plastic, một nhóm gây áp lực, cho biết: "Đối với chúng tôi, đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để thay đổi mạnh mẽ nhằm giải quyết các vấn đề về chất thải và tiêu dùng, hướng tới một lối sống bền vững hơn".

TT Trump dọa đánh thuế 1.000 tỷ USD hàng Trung Quốc

Tổng thống Trump muốn dùng đòn thuế quan để “trả đũa” Trung Quốc vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19, theo Dailymail.

Tuyền Nguyễn