|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rabobank: Tăng trưởng sản lượng heo toàn cầu chậm lại trong quý II/2021

20:11 | 12/05/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng đàn heo toàn cầu có thể bị chậm lại do nhiều yếu tố, gồm cả sự bùng phát của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) ở châu Á, chi phí thức ăn cao hơn và tác động của COVID-19 đối với nhu cầu, theo Rabobank.

Theo ngân hàng, giá heo đang tăng cao ở nhiều thị trường do các nhà chế biến gặp khó trong việc tìm nguồn cung cấp.

Trong bản cập nhật về thị trường thịt heo hàng quý mới nhất của mình, các nhà phân tích của Rabobank nhấn mạnh sự kết hợp của những thách thức về sức khỏe gia tăng, chi phí tăng và nhu cầu không chắc chắn do sự gián đoạn của đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận, theo đó làm gia tăng rủi ro cho thị trường thịt heo toàn cầu.

Tại Trung Quốc, tình trạng đàn heo giảm do dịch ASF mới bùng phát và những thách thức về sức khỏe đang làm chậm quá trình phục hồi.

Mặc dù thấp hơn kỳ vọng trước đó, đàn heo nái vẫn đi ngang so với năm 2020 và sẽ tăng trưởng vào cuối năm khi các nỗ lực tái sản xuất tiếp tục được thực hiện, Rabobank dự đoán.

Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng dự kiến tăng, Trung Quốc vẫn thiếu thịt heo và sẽ tiếp tục nhập khẩu khối lượng lớn mặt hàng này. Trong quý I/2021, nhập khẩu thịt heo đã tăng 22% so với cùng kỳ lên 1,43 triệu tấn. Nguồn cầu yếu do dịch bệnh và giá thịt heo bán lẻ tương đối cao.

Philippines cũng đã chịu thiệt hại về đàn cao hơn dự kiến do dịch ASF trong năm nay, trong khi hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) và tiêu chảy cấp (PEDv) ở heo đang góp phần vào sự thiếu hụt nguồn cung ở Mỹ và Mexico. Cùng với đó, sự xuất hiện trở lại của bệnh dịch tả heo cổ điển (CSF) ở Nhật Bản và Brazil cũng là ảnh hưởng đến sản xuất.

Christine McCracken, nhà phân tích protein động vật cấp cao tại Rabobank, cho biết thiệt hại do dịch bệnh cao hơn ở các vùng chăn nuôi chủ chốt, cùng với tác động của sự chậm chạp trong thanh khoản ở thời kỳ đại dịch, đã làm hạn chế nguồn cung cấp heo sẵn có. 

Giá thức ăn và nguyên liệu thức ăn đã tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm trước. Vì chi phí thức ăn chăn nuôi là chi phí biến đổi lớn nhất đối với hầu hết nhà sản xuất, sự khác biệt giữa các khu vực về nguồn thức ăn sẵn có và nguồn cung cấp các loại thức ăn thay thế hợp lý có thể thay đổi đáng kể kinh tế sản xuất. 

Theo Rabobank, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cũng chịu nhiều rủi ro hơn đối với tình trạng thiếu hụt toàn cầu, điều này có thể trở nên trầm trọng hơn do biến động tiền tệ.

Kỳ vọng sản lượng thấp hơn khiến thị trường thiếu thịt heo, cũng như nhu cầu đang bắt đầu tăng lên. Sự mất cân đối đang khiến giá thịt heo tăng mạnh tại nhiều thị trường, và phần gia tăng đó sẽ dần được chuyển đến tay người tiêu dùng, góp phần vào xu hướng lạm phát chung.

Xu hướng tại các khu vực khác

Tại Liên minh châu Âu (EU), giá heo hơi đã tăng trở lại 22% kể từ đầu năm do nguồn cung heo hơi thắt chặt và nhu cầu dần được cải thiện. 

Mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức định hướng xuất khẩu của năm ngoái (giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái), giá cao hơn sẽ giúp bù đắp chi phí thức ăn đắt đỏ hơn. Ngay cả với những điều kiện khó khăn, sản lượng đang tăng ở Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan để bù đắp cho sự sụt giảm nhẹ ở Đức và Italy. 

Xuất khẩu vẫn mạnh, bất chấp lệnh cấm thương mại liên quan đến dịch ASF đối với thịt heo Đức.

Tại Mỹ, giá heo hơi tăng 68% so với đầu năm do nguồn cung heo bị thắt chặt hơn và giá trị thịt heo tăng mạnh. Nhu cầu về thịt hun khói và thịt ba chỉ tăng mạnh, cùng với việc nhập khẩu giảm và lượng hàng tồn kho đông lạnh hạn chế vẫn là những yếu tố hỗ trợ thị trường. 

Lực lượng lao động vẫn là một thách thức và đang đóng góp vào phí bảo hiểm của sản phẩm. Giá thịt heo cao đang đè nặng lên xuất khẩu và có khả năng vẫn là yếu tố hạn chế đối với khối lượng nhập khẩu. 

Tố Tố