|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy tắc tài chính cá nhân 50/30/20 không phải lúc nào cũng đúng?

05:00 | 08/02/2022
Chia sẻ
Quy tắc ngón tay cái 50/30/20 có thể là một cách đơn giản để quản lý ngân sách của bạn, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người và chắc chắn không phải lúc nào cũng đúng.

Theo Business Insider, lập kế hoạch ngân sách cá nhân là một cách thông minh để đảm bảo bạn sẽ có tài chính lành mạnh. Bạn chuẩn bị cho tương lai dễ dàng hơn, chi tiêu có trách nhiệm và tránh nợ nần. Tuy nhiên, không có một cách lập ngân sách nào chính xác và phù hợp cho tất cả mọi người.

Mặc dù có nhiều lựa chọn, nhưng chiến lược chia thu nhập của bạn thành 3 phần bằng cách sử dụng cái gọi là quy tắc 50/30/20 đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người khi họ xây dựng kế hoạch tài chính của mình. Dù vậy, để chắc chắn bạn vẫn nên cân nhắc xem chiến lược có đúng với điều kiện của bản thân hay không nhé.

Quy tắc tài chính 50/30/20 là gì?

Quy tắc 50/30/20 là một quy tắc đơn giản liên quan đến việc chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 loại riêng biệt: Nhu cầu, mong muốn, sau đó là khoản chung để tiết kiệm và trả nợ. Được tính với thu nhập sau thuế, mỗi danh mục cụ thể được phân bổ theo một tỷ lệ nhất định trong thu nhập của bạn.

Quy tắc tài chính cá nhân 50/30/20 không phải lúc nào cũng đúng? - Ảnh 1.

Quy tắc tài chính 50/30/20 gần như là quy tắc lập kế hoạch ngân sách phổ biến nhất. (Nguồn: The Plum Basket)

Theo quy tắc, 50% nên hướng tới nhu cầu thiết yếu, 30% hướng tới mong muốn và 20% dành cho tiết kiệm và trả nợ. Tiến sĩ Jay Zigmont, nhà lập kế hoạch tài chính và là người sáng lập tổ chức tư vấn tài chính Live, Learn, Plan của Mỹ cho biết: "Điểm hay về hệ thống này là nó đơn giản".

Cụ thể, với phần nhu cầu chi tiêu thiết yếu chiếm 50% thu nhập thì đồ ăn, nơi ở, chăm sóc sức khỏe, trang phục đều sẽ thuộc phần này. Ông Frank McLaughlin, cố vấn tài chính và CFP tại Merriman cho biết: "Tôi thực sự coi đó là chi phí sinh hoạt cốt lõi của bạn. Chúng là những thứ mà bạn không thể sống thiếu".  

Tiếp theo đó là những khoản chi tiêu bạn muốn, chiếm 30% thu nhập. Bạn muốn có nghĩa là bạn không thực sự cần nhưng chúng khiến bạn hạnh phúc và cuộc sống của bạn sẽ trở nên thú vị hơn. Xem chương trình giải trí, hòa nhạc, sự kiện, mua sắm, đi chơi đều thuộc loại này. Với nguyên tắc lập ngân sách 50/30/20 thì bạn phải đảm bảo những giao dịch mua này không được cao hơn 30% thu nhập của bạn.

20% thu nhập còn lại của bạn nên được dành để tiết kiệm và trả nợ (nếu có). Ông McLaughlin nói: "Dù bằng cách nào đi chăng nữa, nó sẽ làm tăng giá trị tài sản ròng của bạn vì giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn hoặc dồn tiền vào các khoản nợ để nhanh chóng trả nợ, tránh phải trả lãi suất cao".

4 bước để áp dụng quy tắc 50/30/20 vào kế hoạch

Nếu bạn muốn triển khai quy tắc quản lý tài chính 50/30/20 vào kế hoạch ngân sách của mình, các chuyên gia khuyên bạn nên làm theo 4 bước đơn giản như sau:

1. Tìm ra thu nhập sau thuế hàng tháng

Vì hệ thống quản lý tài chính 50/30/20 dựa trên thu nhập sau thuế nên điều quan trọng là phải biết số tiền chính xác bạn kiếm được là bao nhiêu.

2. Tính số tiền phải chi tiêu theo tỷ lệ 50/30/20

Tiếp theo, bạn sẽ muốn tính toán 50%, 30% và 20% chính xác là bao nhiêu tiền mặt – dựa theo tiền lương và tổng thu nhập. Để thực hiện việc này, hãy nhân số tiền trả sau thuế của bạn tương ứng với 0,5, 0,3 và 0,2. Ông McLaughlin nói: "Bước tính toán đó sẽ cung cấp cho bạn những con số mà bạn hình dung được ngay lập tức và dựa vào đó để điều chỉnh trong giai đoạn tiếp theo của kế hoạch".

3. Đánh giá lại và phân loại chi tiêu của bạn trong tháng

Quy tắc không chỉ được lập lên "cho có" mà phải được ứng dụng vào thực tế. Vì vậy, bạn cần biết hiện tại mình chi tiêu bao nhiêu cho những mong muốn, nhu cầu, khoản tiết kiệm, nhờ đó bạn sẽ biết phải cắt giảm hoặc gia tăng tiền vào mục nào hay không.

4. Theo dõi chi tiêu

Quy tắc tài chính cá nhân 50/30/20 không phải lúc nào cũng đúng? - Ảnh 2.

Theo dõi chi tiêu đảm bảo việc thực hiện ngân sách 50/30/20 chuẩn hơn. (Nguồn: P&N Bank)

Để thực hiện đầy đủ quy tắc 50/30/20, bạn phải theo dõi chi tiêu hàng tháng của mình để đảm bảo rằng bạn đang ở dưới ngưỡng quy định – ví dụ các khoản chi tiêu cố định chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 50% thu nhập. 

Theo ông McLaughlin, đây thường là một trong những phần khó khăn nhất về lập ngân sách nói riêng và quản lý nói chung. Bởi vì nó có thể tẻ nhạt và làm chúng ta nản lòng. Tháng đầu tiên lập ngân sách thường là khó khăn nhất, đừng nản lòng nếu chi tiêu của bạn chưa thực sự đạt mức bạn kỳ vọng.

Làm sao để biết quy tắc tài chính cá nhân 50/30/20 có phù hợp với bạn không?

Mặc dù quy tắc tài chính 50/30/20 có thể là một điểm khởi đầu hữu ích, nhưng nó không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người. Ví dụ, những người về hưu có thể không tiết kiệm được 20% hoặc bất kỳ khoản tiền nào một khi họ ngừng làm việc. Nó cũng có thể khó thực hiện đối với những người không có thu nhập cố định và đều định hàng tháng, hàng năm – chẳng hạn như làm việc theo hợp đồng, làm bán thời gian,…

Trong một số trường hợp, quy tắc tài chính 50/30/20 có thể không thực hiện được. Nếu bạn kiếm được ít tiền hơn, chỉ riêng tiền nhà đã có thể chiếm một nửa tiền lương của bạn. Một số người có khoản vay lên đến hơn 20% nên rất khó để đồng thời để tiết kiệm.

Quy tắc này cũng không tính đến lãi suất, lạm phát hoặc bất kỳ yếu tố nào khác ngoài danh mục chi tiêu. Nếu bạn bị nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao, thì càng hợp lý hơn nếu bạn ưu tiên trả khoản nợ đó càng nhanh càng tốt trước khi chi tiêu 30% thu nhập của mình cho những việc bạn muốn.

Thu Phương