Làm gì để sớm trả hết nợ thẻ tín dụng, tài chính cá nhân dư dả?
Nợ thẻ tín dụng có thể là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống thời hiện đại và bạn thậm chí không thấy gì khi không chú ý đến nó. Tất cả đều quá dễ dàng - đi ăn tối ở nhà hàng, mua sắm quần áo, đi du lịch… đều có thể trả bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, theo thời gian thì các khoản nợ tín dụng này có thể “ăn mòn” đáng kể tài chính cá nhân của bạn.
Nếu bạn rơi vào tình trạng đó thì chắc chắn đã đến lúc hít thở sâu và lên kế hoạch trả nợ tín dụng bạn đã tích lũy. The Independent đã trao đổi với ba chuyên gia tài chính cá nhân hàng đầu về những chiến lược tốt nhất để giải quyết nợ thẻ tín dụng. Hãy cùng tham khảo nhé.
Tính tổng số nợ của bạn và đặt hạn trả nợ
Để trả hết nợ, trước tiên bạn cần biết chính xác số tiền bạn có và số tiền đang nợ là bao nhiêu. Tạo một bảng tính đơn giản hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, ghi chi tiết tất cả thông tin chi tiêu, các thẻ tín dụng của bạn, số dư tương ứng và mức lãi suất.
Điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ ràng về quy mô các khoản nợ tín dụng, cho phép bạn tập trung và theo dõi tiến độ của mình. Bạn có thể ngạc nhiên về việc bạn có thể bắt tay vào việc trả nợ nhanh như thế nào với một vài thay đổi nhỏ trong lối sống.
Tiếp theo, hãy đặt cho mình một thời hạn. Khi nào bạn muốn trả xong hoàn toàn các khoản nợ tín dụng? Chuyên gia Danetha Doe từ Money & Mimosas (Anh) cho biết: “Khi bạn có ý định về ngày tháng trả nợ, hãy thiết kế ngược lại quy trình để tìm ra số tiền bạn cần trả mỗi tháng và chiến lược nào là cách tiếp cận tốt nhất”.
Chọn chiến lược trả nợ tín dụng thông minh
Không phải chỉ có duy nhất một cách để trả nợ tín dụng, vì vậy việc của bạn là phải lựa chọn một chiến lược mà bạn nghĩ sẽ phù hợp với mình. Đồng thời, bạn đừng quên rằng nếu như gặp khó khăn thì vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác.
Cách tiếp cận đầu tiên để trả nợ tín dụng được gọi là "phương pháp tuyết lở", trong đó bạn trả trước thẻ với lãi suất cao nhất trong khi thanh toán số tiền tối thiểu trên các thẻ tín dụng khác. “Một khi bạn trả hết thẻ tín dụng có mức lãi suất cao nhất thì bạn sẽ chuyển các khoản thanh toán hàng tháng đó sang thẻ tín dụng tiếp theo”, bà Doe giải thích.
Bà Loreen Gilbert, CEO và người sáng lập của WealthWise Financial Services lưu ý: “Mọi người có ý kiến khác nhau về cách giải quyết nợ tín dụng. Một số người nói rằng hãy trả hết cái nhỏ nhất trước. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc giải quyết một khoản có lãi suất cao nhất sẽ có ý nghĩa hơn về mặt tài chính”.
Thanh toán bằng thẻ với số dư thấp nhất được gọi là “phương pháp quả cầu tuyết” - ngược lại với phương pháp tuyết lở. Ở lựa chọn này, bạn trả nợ tín dụng từ các khoản nhỏ nhất, các thẻ tín dụng có lãi suất thấp nhất và “để dành” lãi suất cao đến sau cùng.
Ramit Sethi, tác giả của cuốn sách I Will Teach You To Be Rich là một người yêu thích phương pháp này và lưu ý rằng nếu bạn cảm thấy mình trả mãi không hết nợ, thì đó là một cách nhanh chóng để có được cảm giác thành tựu.
Phương pháp thứ ba là bạn thực hiện hợp nhất nợ tín dụng. Bạn có thể gọi cho các công ty phát hành thẻ tín dụng của mình và hỏi xem họ có hợp nhất số dư thẻ tín dụng của bạn vào một thẻ hay không.
Bà Doe lưu ý rằng thông thường nếu họ làm điều này, họ sẽ đưa ra mức lãi suất thấp hơn trên thẻ. “Điều này có thể tuyệt vời đối với một số người vì nó dẫn đến việc chỉ có một khoản thanh toán mỗi tháng so với nhiều khoản lẻ tẻ có thể khiến bạn thấy quá tải”.
Cân nhắc chuyển số dư sang mức lãi suất 0%
Tùy thuộc vào điểm tín dụng của bạn, một số thẻ tín dụng sẽ cung cấp cho bạn tùy chọn chuyển số dư thẻ tín dụng của bạn sang thẻ tín dụng lãi suất 0%. Hãy nhớ rằng lãi suất 0% này sẽ chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, và khi hết thời gian đó thì lãi suất sẽ tăng vọt.
Bà Gilbert lưu ý: “Nhiều người đã quen với cuộc sống vượt quá khả năng của mình, sử dụng thẻ tín dụng để trang trải cho cuộc sống của họ và sau đó họ tìm cách chuyển số dư thẻ tín dụng sang thẻ lãi suất 0%. Vấn đề là lãi suất sẽ không thấp mãi mãi, vì vậy, kiểm soát chi tiêu là chìa khóa để thoát khỏi nợ tín dụng một lần và mãi mãi".
Ông Sethi đề xuất: “Nếu bạn vẫn gặp khó khăn với kế hoạch trả nợ, bạn có thể cần phải sử dụng một hệ thống như kế hoạch chi tiêu có ý thức để quản lý chi tiêu của mình. Bạn cũng có thể tìm kiếm những giải pháp để gia tăng thu nhập như đề xuất tăng lương hay xin được giảm tiền thuê nhà. Bằng cách kiếm nhiều hơn (hoặc chi tiêu ít hơn), bạn sẽ có thể trả nợ tín dụng nhanh hơn”.
Bà Gilbert cũng gợi ý một cách tiếp cận thực tế tương tự: “Ăn ít hơn những bữa ăn đắt đỏ 2 lần mỗi tuần và sử dụng số tiền đó để trả nợ có thể là một cách hay. Đó có vẻ là một số tiền không đáng kể, nhưng số tiền nhỏ đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Ví dụ, nếu mỗi bữa ăn của bạn tiêu tốn 500 nghìn thì bạn có thể trả bớt nợ tới 2 triệu mỗi tháng”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/