|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các quan chức Mỹ muốn đúc đồng xu bạch kim 1.000 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng nợ

10:15 | 08/10/2021
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ đang gây ra nhiều xáo trộn và nhiều nhà lập pháp đã đề ra các giải pháp táo bạo, ví dụ như đúc đồng xu bạch kim trị giá hàng tỷ USD.

Nhiều chính trị gia Mỹ đã lên tiếng về việc đất nước hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và mức trần nợ khiến nước này có nguy cơ vỡ nợ trong tương lai, theo Bitcoin News.

Tổng thống Joe Biden đã nói về mức trần nợ và nói rằng Đảng Cộng hòa "chỉ cần tránh ra cho chúng tôi làm việc”. Thế nhưng điều đó cũng không khiến mọi người cảm thấy yên tâm hơn. Mới đây, một số quan chức đã đề ra ý tưởng đúc đồng xu bạch kim trị giá 1.000 tỷ USD để hỗ trợ ngân khố nhà nước.

Ý tưởng đồng xu nghìn tỷ USD ngăn Mỹ vỡ nợ

Khái niệm đồng xu nghìn tỷ USD thực tế đã được nhiều chính trị gia Mỹ nghiêm túc cân nhắc. Cựu Giám đốc Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ cho biết đồng xu bạch kim có thể được đúc trong vài giờ.

Những ngày này, nhiều chính trị gia trên toàn thế giới dường như thực sự nghiêm túc xem xét, phân tích các yếu tố mà thực tế, lịch sử đã cho thấy vô số nền kinh tế đã bị phá hủy bởi bơm tiền mặt quá mức vào thị trường. 

Tại Mỹ, các quan chức công quyền đã thảo luận về mức trần nợ của quốc gia và dự đoán nguy cơ liệu Mỹ có vỡ nợ hay không.

Mỹ muốn đúc đồng xu bạch kim trị giá hàng tỷ USD để vượt qua khủng hoảng nợ?  - Ảnh 1.

Mỹ đang tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. (Nguồn: Newscon)

Phát biểu tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Việc nâng giới hạn nợ để trả những gì chúng ta đã nợ… không phải bất cứ điều gì mới”. 

Ông Biden nói rằng Đảng Cộng hòa đang ngăn cản việc cần thiết là phải tăng giới hạn nợ và ông cũng yêu cầu Đảng đối lập chỉ cần "tránh ra cho chúng tôi làm việc" để không “phá hủy nền kinh tế đất nước”.

Trong khi đó, một số quan chức nhà nước và các phương tiện truyền thông chính thống của cường quốc này thì nói nhiều hơn về ý tưởng đúc đồng xu bạch kim trị giá 1 nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế khỏi thảm họa. 

Đó không phải là một trò đùa và nó đang được coi là một giải pháp khá tiềm năng. Ít nhất, những chính trị gia tin vào các khái niệm kinh tế vĩ mô không chính thống như Lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) ủng hộ quan điểm này.

Một điểm đáng chú ý là luật pháp của Mỹ cho phép cơ quan hành pháp dù không có sự chấp thuận của quốc hội cũng có thể đúc tiền - đúc bất kỳ mệnh giá nào miễn là đồng tiền đó được làm từ bạch kim. 

Ngoài ra, phóng viên Felix Salmon của Axios giải thích rằng ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không thông báo trước với công chúng thì bà cũng có quyền “lặng lẽ hướng dẫn giám đốc Cục Đúc tiền Kim loại thực hiện việc đúc tiền trong một, hai ngày”.

“Vào lúc đó, một đồng xu có thể được đúc trong vài phút tại xưởng đúc tiền West Point. Sau đó, ngay cả khi nó cần được gửi về trụ sở Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ở New York thì đó cũng chỉ là một chuyến đi trực thăng ngắn”, phóng viên Salmon đánh giá..

Về phần mình, bà Yellen gọi ý tưởng đồng xu là một “mánh lới truyền thông”. Thực tế, luật duy nhất cho phép tạo ra một loại tiền xu như vậy đã được nghĩ ra cách đây 20 năm và nhằm mục đích giúp thúc đẩy việc sản xuất tiền xu cho mục đích làm kỷ niệm. Trở thành giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tài chính không hề được đề cập đến trong điều luật này..

Luật quy định cụ thể rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ, hiện là bà Janet Yellen có thể ra lệnh “đúc và phát hành đồng xu bạch kim và đồng xu bạch kim bằng chứng phù hợp với các thông số kỹ thuật, thiết kế, giống, số lượng, mệnh giá và chữ khắc” tùy từng thời điểm. 

Trong khi bà Yellen bác bỏ ý tưởng này thì ông Philip Diehl, cựu giám đốc của Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ lại nói rằng rất có thể quyết định vẫn sẽ được đưa ra. Theo ông, đồng xu bạch kim nghìn tỷ USD có thể được đúc “trong vòng vài giờ sau khi Bộ trưởng Tài chính quyết định làm như vậy”.

Bà Yellen khẳng định với các phóng viên của CNBC rằng “điều cần thiết là Quốc hội phải chứng minh rằng thế giới có thể tin tưởng vào việc Mỹ sẽ trả nợ”.

Thu Phương