|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hưu trí chưa vận hành sau 8 – 9 năm, cơ chế chính sách là rào cản lớn nhất

14:14 | 02/05/2019
Chia sẻ
Theo ông Cấn Văn Lực, bên cạnh rào cản về cơ chế chính sách, nhận thức của doanh nghiệp trạng thị trường cấp và thứ cấp khiến mô hình quỹ hưu trí và quỹ đầu bất động sản chưa vận hành hiệu quả.

Quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí đã ra đời 8 – 9 năm vẫn chưa vận hành

Sáng nay (2/5), Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10- NQ/TW của Hội nghị TW khóa  XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ".

Trong khuôn khổ diễn đàn, hội thảo chuyên đề "Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội" được tổ chức. Chủ trì hội thảo là ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng bộ tài chính.

Quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hưu trí chưa vận hành sau 8 – 9 năm, cơ chế chính sách là rào cản lớn nhất - Ảnh 1.

Phiên hiến kế về tài chính - Tín dụng. Ảnh: Phan Quân

Về thực trạng thị trường vốn, năm 2018, tỉ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so với GDP đạt hơn 130%, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP, vượt chỉ tiêu 70% đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1.122 nghìn tỉ đồng, tương đương 20,3% GDP. Tuy nhiên bên cạnh những gì đạt được, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong huy động, vay vốn từ thị trường tài chính vẫn diễn ra.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các định chế tài chính, khu vực kinh tế tư nhân cùng đối thoại về những khó khăn, rào cản, ách tắc xung quang những vấn đề như:

Một là, khơi thông tín dụng trung – dài hạn của hệ thống ngân hàng,

Hai là, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ba là, phát triển mô hình quỹ hưu trí tự nguyện và mô hình quỹ đầu tư bất động sản.

Đánh giá về thực trạng của hai qũy, "các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện sau 8- 9 năm vẫn chưa được vận hành, đối tượng thực hiện chưa nhiều. Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn phức tạp, cần đánh giá dưới góc độ đa chiều để tiến hành giải quyết", ông Nghĩa đánh giá

Đâu là rào cản lớn nhất trong vận hành quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hưu trí?

Bên lề hội thảo, để thảo thuận thêm về những vấn đề trên, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV.

PV: Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa mặn mà với vốn chung và dài hạn, ông nhận xét như nào về quan điểm này?

Quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hưu trí chưa vận hành sau 8 – 9 năm, cơ chế chính sách là rào cản lớn nhất - Ảnh 2.

Ông Cấn Văn Lực trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phan Quân

Ông Cấn Văn Lực: Thực ra, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta biết rằng nhu cầu phát triển về nguồn vốn. Trong đó, khối ngân hàng cung cấp một khoảng đâu đó khoảng 50% nhu cầu tín dụng. Chính vì thế tạo sức ép rất lớn đối với thị trường. Hôm nay chúng ta tập trung trao đổi với nhau rất quan trọng làm sao để phát triển thị trường quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư bất động sản. Đây là những kênh đầu tư trung và dài hạn vô cùng quan trọng cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp tư nhân.

Tôi thấy rằng diễn dàn đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cũng là chỗ để hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, thị trường quỹ tốt hơn trong tương lai. Tôi cho rằng những hiến kế này sẽ được Đảng và Nhà nước, Chính phủ tổng hợp để biến thành những luật, những quy định, qua đó thế chế của chúng ta rồi khâu thực thi cũng sẽ tốt hơn.

PV: Một trong những vấn đề được ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đưa ra là triển khai hai loại hình đầu tư là quỹ đầu tư bất động sản và quỹ hưu trí. Thực ra chúng ta đã có từ lâu nhưng vẫn chưa thể đưa vào. Vậy theo như ông quan sát thì vấn đề của chúng ta nằm ở đâu?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng vướng mắc lớn nhất là cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích, đặc biệt là chính sách về thuế và tính nhất quán của văn bản pháp quy pháp luật của chúng ta chưa được cao, và triển khai thực hiện vẫn còn vướng mắc. Ví dụ, quỹ đầu tư bất động sản, nhưng khi muốn chuyển nhượng sang tên đã bị vướng mắc tại dự án bất động sản.

Vướng mắc thứ hai chính là nhận thức của người dân, của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư đối với loại hình này vẫn còn mới, một phần do họ vẫn thiếu kiến thức thiếu sự hiểu biết sâu về lợi ích mà quỹ này mang lại so với một số kênh đầu tư như gửi ngân hàng hoặc một số kênh khác.

Thứ ba, liên quan đến thị trường sơ cấp và thứ cấp. Ví dụ như khi người ta đầu tư rồi mà muốn lấy lại tiền để đầu tư chỗ khác, thì tính thanh khoản của thị trường lại chưa cho phép. Tôi cho rằng đấy là ba điểm lớn nhất của thị trường cần tháo gỡ.

Phan Quân