Ngày 8/3, Chính phủ Na Uy thông báo Quỹ Hưu trí Na Uy, quỹ phúc lợi lớn nhất thế giới, sẽ bán đi số cổ phẩn trong lĩnh vực dầu khí để giảm bớt những tác động tiêu cực có thể có của ngành công nghiệp này.
Quỹ Hưu trí Na Uy sẽ bán đi số cổ phần trong lĩnh vực dầu khí. Ảnh minh họa: energiaoltre.it
Mặc dù quyết định này chỉ dựa trên việc xem xét vấn đề tài chính chứ không hề liên quan đến môi trường hay biến đổi khí hậu, song việc quỹ đầu tư trị giá hơn 1.000 tỷ USD này rút khỏi ngành dầu khí chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Chính phủ Na Uy, nước sản xuất lớn dầu mỏ nhất tại Tây Âu, cho biết sẽ rút vốn khỏi những công ty khai thác và sản xuất dầu khí. Bộ trưởng Tài chính Siv Jensen nêu rõ mục đích của việc này là giảm bớt khả năng quỹ bị tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm.
Quyết định trên được đưa ra sau khuyến cáo của Ngân hàng Trung ương Na Uy năm 2017. Theo thống kê, dầu và khí đốt chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu của Na Uy và 20% doanh thu ngân sách nước này. Thu nhập từ các công ty dầu mỏ và khí đốt quốc doanh Na Uy đều được đưa vào Quỹ Hưu trí.
Cuối năm 2018, số cổ phần của quỹ này trong lĩnh vực dầu mỏ trị giá lên tới 37 tỷ USD, trong đó chủ yếu là của Shell, BP, Total và ExxonMobil, cùng nhiều công ty khác. Chỉ riêng số cổ phần của quỹ này trong tập đoàn Shell đã là 6 tỷ USD.
Chính phủ Na Uy khẳng định quyết định trên không phản ánh quan điểm cụ thể nào về giá dầu, lợi nhuận tương lai hay tính bền vững của ngành dầu mỏ. Đánh giá này được đưa ra độc lập với chính sách dầu mỏ hiện nay của Chính phủ Na Uy, vốn không hề thay đổi.
Đặng Ánh
Theo Báo Tin tức/TTXVN
Link bài gốc
https://baotintuc.vn/kinh-te/quy-huu-tri-lon-nhat-the-gioi-rut-von-khoi-linh-vuc-dau-khi-20190308224313736.htm