Ông Cấn Văn Lực: 'Thị trường tài chính cần minh bạch hơn'
Hậu quả của 'giao dịch ăn theo' trên thị trường tài chính | |
Cách mạng 4.0 làm thay đổi 'luật chơi' trên thị trường tài chính |
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường tài chính toàn cầu từ đầu năm đến nay?
- Tôi theo dõi và thấy rằng thị trường tài chính toàn cầu từ đầu năm đến nay tăng trưởng ổn định và tích cực.
Cụ thể, nhiều quốc gia tăng cường cải cách thể chế tài chính, đặc biệt là năng lực để chống chọi với các cú sốc bên ngoài thông qua xử lý các vấn đề cốt lõi của hệ thống như: chất lượng tài sản, nợ xấu, sở hữu chéo, tiếp cận tín dụng, tính minh bạch, quản lý thị trường phái sinh...
Các nước cũng tăng cường dự trữ ngoại hối, yêu cầu hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán và bảo hiểm hoạt động theo hướng chặt chẽ hơn, tuân thủ thông lệ quốc tế... Vì thế, khả năng sinh lời, quản lý rủi ro của hệ thống bao gồm khối tài chính ngân hàng, bảo hiểm đã cải thiện.
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán và ngân hàng có tăng trưởng tốt. Đầu năm có thời điểm cả hai lĩnh vực này điều chỉnh hơi nóng. Dù không có cú sốc lớn nhưng về cơ bản thị trường chứng khoán đang điều chỉnh theo hướng tích cực và về đúng với giá trị.
Bên cạnh đó thị trường tài chính toàn cầu vẫn tồn tại một số hạn chế. Xuất hiện một số rủi ro mới như ngân hàng trung ương một số quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc giảm bớt mua tài sản xấu. Thậm chí một số ngân hàng đã bán bớt một số tài sản sản trước đây mua về. Không ít ngân hàng trung ương tại các nước lớn tăng lãi suất, khiến lãi suất bằng USD tăng lên, áp lực lên vấn đề tỷ giá và thanh khoản của hệ thống tài chính giảm bớt so với trước đây.
Chỉ số tài chính do IMF, City Bank đo lường cho thấy điều kiện tài chính trở nên căng hơn và kém thanh khoản hơn so với trước.
- Diễn biến này ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính Việt Nam?
- Với Việt Nam, thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm được xem là 3 trụ cột của thị trường vốn nên cũng có những ảnh hưởng nhất định.
Về thị trường tài chính ngân hàng, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định. Bằng chứng là hồi tháng tháng 5, hãng Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam bởi kinh tế vĩ mô cơ bản là ổn định. Hai động lực quan trọng nền kinh tế là xuất khẩu và tiêu dùng tăng trưởng tốt đồng thời Việt Nam kiểm soát tốt hơn nợ công.
Cách đây vài hôm, Moody's nâng mức xếp hạng tín nhiệm cho 14 ngân hàng TMCP Việt Nam và triển vọng lâu dài chuyển từ mức độ ổn định sang tích cực.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực. |
Ngoài ra, chúng tôi có phân tích thêm thì thấy rằng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 7 tháng vừa qua đã tăng 8% và tăng đều qua các tháng. Dữ trự ngoại hối cũng ở mức cao, đặc biệt lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và lãi suất tương đối ổn định.
Từ đầu năm đến nay VNĐ mất giá so với USD khoảng 2,5%. Đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh USD tăng giá rất mạnh thời gian qua kéo theo nhiều đồng tiền khác cũng mất giá 3-7%. Ngoài ra, lợi nhuận, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng ở mức độ tốt hơn. 7 tháng đầu năm lợi nhuận của ngân hàng niêm yết tăng 30-50%, mức tăng trưởng tích cực.
Thị trường chứng khoàn trong 7 tháng qua đã có những điều chỉnh do tăng trưởng hơi nóng của năm ngoái. Tính đến 10/8 chỉ số VN-Index giảm khoảng gần 3% so với cuối năm 2017. Tất nhiên đây là mức giảm thấp so với một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Philippines...
Còn thị trường bảo hiểm tôi cho rằng vẫn giữ được mức tăng trưởng đều và tích cực trong khoảng 10 năm qua. Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ tăng mức 15-17% bình quân một năm. Đây là mức tốt trong khu vực.
- Vậy những mặt tồn tại của 3 thị trường này là gì?
- Theo tôi, mặt chưa được của hệ thống ngân hàng là quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém vẫn diễn ra khá chậm. Có thời điểm thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa thực sự bền vững.
Thị trường chứng khoán về cơ bản vẫn phát triển ở mức theo chiều sâu hơn nhưng vẫn có tác động qua lại giữa thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh, trong đó hiện tượng đầu cơ manh nha quay trở lại kể cả thị trường phái sinh. Ngoài ra, mức độ đa dạng hóa của hàng hóa, nhà đầu tư chưa cao. Ví dụ hiện trên sàn phái sinh mới chỉ có hợp đồng tương lai dựa vào chỉ số VN30. Do chưa nhiều hàng hóa, vấn đề thanh khoản cũng như rủi ro chỉ tập trung vào một vài hàng hóa.
Hiện tượng đòn bẩy tài chính của công ty chứng khoàn và nhà đầu tư cũng ở mức độ tương đối cao trong thời gian qua điều này cũng tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, mức độ minh bạch của thị trường chứng khoán vẫn phải tiếp tục được cải thiện, chế tài phải rõ ràng hơn, quản trị doanh nghiệp cũng cần giám sát ở mức tốt hơn.
Trên lĩnh vực bảo hiểm, vấn đề tồn tại lớn nhất là cạnh tranh chưa thực sự lành mạnh. Thủ tục liên quan đến bồi thường đến bảo hiểm còn phức tạp, vì vậy đôi khi người dân chưa có niềm tin cao, hoặc khi xảy ra rủi ro các doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian để xử lý thủ tục bồi thường. Vốn đầu tư từ bảo hiểm trở lại nền kinh tế dù có cải thiện nhưng có thể làm tốt hơn hiện nay để đạt được hệ số sinh lời cao hơn cũng như cung ứng tốt hơn cho nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn.
Ba thị trường này được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Tại nhiều quốc gia trên thế giới họ tính toán được mức độ đóng góp của các khối này vào nền kinh tế cụ thể GDP là bao nhiêu song tại Việt Nam chúng ta chưa có tính toán đánh giá tổng thể.
Riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng thông thường tại các nước mức độ đóng góp khoảng 7-10% GDP. Việt Nam muốn biết chính xác cần tính toán cụ thể, song tôi dự tính ở mức 5-6% GDP.
- Trái phiếu Chính phủ cũng đóng góp không nhỏ cho thị trường vốn Việt Nam. Ông nhìn nhận ra sao về lĩnh vực này?
- Thị trường trái phiếu Chính phủ về cơ bản phát triển tốt và lành mạnh thời gian qua, trong đó đã huy động được nguồn vốn trung - dài hạn đáp ứng yêu cầu của ngân sách nhà nước cũng như những nhu cầu khác.
Tuy nhiên thị trường này vẫn còn kém phát triển nên quy mô còn nhỏ bé. Theo số liệu của ADB, trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ gần 2% GDP - mức thấp so với khu vực 7-10% thậm chí một số nước cao hơn.
Lý do nằm ở chỗ tư duy của doanh nghiệp chưa thực sự muốn công khai minh bạch nên họ không quan tâm nhiều đến việc phải minh bạch phải công khai để phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai, hàng hóa tại thị trường này chưa nhiều nên thanh khoản thấp, vì vậy khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu muốn bán đi cũng khó khăn và chi phí tốn kém. Cuối cùng là Việt Nam chưa có hệ thống xếp hạng và đánh giá tín nhiệm để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu ra ngoài hoặc nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó để quyết định mua hoặc bán với lãi suất hấp dẫn.
Liên quan đến hệ thống thông tin dữ liệu của doanh nghiệp, tôi cũng thấy chưa chuẩn mực, chưa minh bạch khiến nhà đầu tư khó kiếm thông tin kể cả thông tin tiếng Anh. Những điều này cần được khắc phục ở thị trường trái phiếu của chúng ta.
- Còn tính minh bạch của thị trường nói chung, ông đánh giá ra sao?
- Minh bạch rõ ràng có cải thiện trong thời gian qua. Chúng ta công bố nợ xấu, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố số liệu tài chính theo quý, nhiều tổ chức tài chính đã thuê kiểm toán nước ngoài, tổ chức tài chính cũng thuê các hãng tín nhiệm quốc tế xếp hạng theo kỳ. Có đơn vị quan tâm hơn đến việc báo cáo tài chính bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh...
Vấn đề đáp ứng tính minh bạch nhiều hay chưa thì tôi thấy rằng Việt Nam cần cải thiện và phấn đầu nhiều hơn nữa để tính minh bạch đáp ứng yêu cầu gồm: đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng...
Vẫn nhiều doanh nghiệp kể cả các định chế tài chính chậm niêm yết, chậm công bố thông tin... Rõ ràng chúng ta cần quan tâm để cải thiện trong thời gian tới.
- Làm thế nào để khắc phục các hạn chế của thị trường vốn đang gặp phải?
- Chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính ngân hàng nói riêng. Thể chế cho thị trường tài chính tại Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tôi lấy ví dụ liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Tôi thấy rằng cần có khuôn khổ pháp lý để Ngân hàng Nhà nước hoạt động theo hướng độc lập hơn, hiện đại hơn. Luật lệ bảo hiểm tiền gửi rõ ràng cần cải thiện, dù ban hành lâu rồi nhưng vẫn phải sửa đổi. Hay cơ chế chính sách chi phối liên quan đến mô hình quản lý vốn nhà nước tại các tổ chức tài chính trong đó có các ngân hàng thương mại. Cần có quy định nhằm tạo ra sự phối hợp giữa hệ thống ngân hàng, hệ thống bảo hiển, fintech, giám sát tập đoàn tài chính... Bởi rất có thể tiềm ẩn rủi ro hệ thống về lâu dài khi đan xen giữa ngân hàng với bảo hiểm, bảo hiểm với chứng khoán hoặc chứng khoán với ngân hàng.
Ngoài ra là vấn đề sở hữu trong các tổ chức tài chính. Nhà nước hiện nắm cổ phần lớn tại các tổ chức tín dụng, chúng ta cần lộ trình để giảm dần sở hữu nhà nước.
Vấn đề giám sát tài chính hiện nay về cơ bản Việt Nam chủ yếu giám sát vi mô. Tức là từng định chế tài chính theo chuyên ngành nhưng có những rủi ro vĩ mô, liên quan đến sở hữu tài chính chéo trong hệ thống ngân hàng, tài chính ngầm... cần cải tiến thời gian tới.
Về kết hợp chính sách giữa tiền tệ và tài khóa, tôi mong muốn Việt Nam sẽ có chương trình lập trình tài chính quốc gia. Theo đó, mỗi lần chính sách tiền tệ, tài khóa có điều chỉnh hệ thống sẽ đo đếm mức độ tác động lên lạm phát, cán cân thanh toán, nợ công...
Khả năng tiếp cận thị trường tài chính ngân hàng của người dân Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Theo thống kế của WB, khoảng 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, so với mức 78% tại Trung Quốc, 70% của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Rõ ràng chúng ta còn nhiều dư địa để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.