|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc tế đánh giá lạc quan về triển vọng phục kinh tế Việt Nam sau dịch

21:16 | 10/06/2020
Chia sẻ
Theo bài viết trên Financial Times, nhờ các biện pháp của chính phủ, triển vọng phục hồi của Việt Nam sau đại dịch hiện khá tươi sáng, với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 5% trong năm 2020.
Quốc tế đánh giá lạc quan về triển vọng phục kinh tế Việt Nam sau dịch - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng của YouGov. (Nguồn: YouGov)

Việt Nam đứng đầu thế giới về khả năng ứng phó đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là kết quả của cuộc khảo sát do YouGov, công ty chuyên phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, thực hiện đối với người dân các nước về năng lực xử lý của chính phủ đối với dịch COVID-19.

Theo bảng xếp hạng của YouGov, khả năng ứng phó của Việt Nam đối với dịch COVID-19 nhận được sự ủng hộ cao nhất thế giới, tới 95%.

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 332 ca mắc COVID-19, trong đó có 317 người đã bình phục.

Tại các bệnh viện còn 15 bệnh nhân, nhưng chỉ có 9 người trong số này dương tính với virus SARS-CoV-2, số còn lại đã âm tính từ 1-3 lần và đang đợi được công bố khỏi bệnh. Đáng chú ý là chưa có trường hợp nào mắc COVID-19 tại Việt Nam tử vong.

Xếp sau Việt Nam là Malaysia, với tỷ lệ ủng hộ là 87%, số ca tử vong/1 triệu dân là 3,62. Cùng đứng cuối bảng xếp hạng là Mexico và Anh, với tỷ lệ ủng hộ là -15%, với số ca tử vong/1 triệu dân lần lượt là 104,79 và 596,07.

Tỷ lệ ủng hộ trong bảng xếp hạng này là tỷ lệ đánh giá chính phủ "xử lý tốt" trừ tỷ lệ đánh giá chính phủ "xử lý kém."

Các quốc gia và vùng lãnh thổ được YouGov khảo sát bao gồm: Việt Nam, Anh, Australia, Ấn Độ, Ba Lan, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch, Đức, Italy, Indonesia, Malaysia, Mexico, Mỹ, Na Uy, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp và Philippines.

Trong khi đó, tờ Financial Times cũng đăng bài viết về việc 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã quay trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian phải phong tỏa một phần nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bài viết nêu rõ nhờ phản ứng mau lẹ và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với dịch COVID-19 cũng như việc các doanh nghiệp và người dân Việt Nam tuân thủ nghiêm các hướng dẫn và quy định của nhà chức trách, cuộc sống ở quốc gia Đông Nam Á này hiện đã quay về trạng thái "bình thường mới."

Các trường học, quán ăn, rạp chiếu phim và câu lạc bộ tại Việt Nam đều đã được mở cửa trở lại, trong khi cổ động viên cũng đã được phép tới sân cổ vũ thi đấu bóng đá. Hầu hết người dân Việt Nam đã không còn phải đeo khẩu trang khi đi ra đường.

Trong khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số nước, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 55 không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chỉ sau Trung Quốc, và hiện cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất này.

Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã áp đặt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong 3 tuần vào tháng Tư, song hầu hết các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.

Có thể khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước truy vết tiếp xúc nhiều nhất trên thế giới, không chỉ đối với F1 mà còn cả F2, đồng thời buộc những người này phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.

Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đã nói đến khả năng mở cửa lại biên giới đối với một số chuyến bay thương mại, song vẫn tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn.

Bài viết cho rằng nhờ các biện pháp trên của chính phủ, triển vọng phục hồi của Việt Nam sau đại dịch hiện khá tươi sáng, với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 5% trong năm 2020.

Ngọc Hà