Quảng Ninh đứng đầu cả 4 chỉ số về cải cách hành chính
Sáng 19/4, tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Cả hai chỉ số này, Quảng Ninh đều là địa phương đứng đầu, cùng với hai chỉ số được công bố trước đó là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Ninh hiện là tỉnh đứng đầu cả 4 chỉ số về hành chính, cải cách.
Với Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần.
Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo ba nhóm. Trong đó, Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90 điểm trở lên, gồm hai tỉnh, thành phố là Quảng Ninh và Hải Phòng. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80 điểm - dưới 90 điểm, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70 điểm - dưới 80 điểm, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Với khối bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp là hai đơn vị đạt điểm CCHC cao nhất, trên 90 điểm.
Đối với Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), 5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa; 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn.