Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bắc Giang bất ngờ vươn lên thứ 2
Sáng 11/4, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số xanh cấp tỉnh.
Báo cáo PCI 2022 có sự thay đổi về cách trình bày kết quả chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố so với những năm trước. Đó là năm nay báo cáo PCI chỉ đưa ra 30 địa phương có điểm số PCI cao nhất chứ không không bố các địa phương có điểm số thấp nhất.
Theo PCI, sự thay đổi này nhằm khuyến khích sự tập trung vào nỗ lực thay đổi của các địa phương để lọt nhóm dẫn đầu, tuy nhiên, VCCI vẫn cung cấp kết quả chi tiết của từng địa phương gồm điểm PCI tổng hợp trong báo cáo Hồ sơ PCI 63 tỉnh, thành phố.
Trình bày báo cáo PCI 2022, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, trong bảng xếp hạng PCI 2022, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100.
Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định.”
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh cũng nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. Không chỉ sở hữu lực lượng lao động trẻ với 51% trong độ tuổi 15 đến 39, 85% lao động đã qua đào tạo và năng suất lao động (GRDP/lao động) thuộc tốp đầu cả nước.
Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Điểm trung bình chỉ tiêu “mức độ dễ dàng trong tiếp cận tài liệu pháp lý” của tỉnh Bắc Giang xếp hạng 7/63 địa phương, tăng 28 bậc so với kết quả PCI 2021. Bên cạnh đó, có tới 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp” hay 76% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp. Đây là các kết quả thuộc nhóm các địa phương tốt nhất cả nước.
Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại TP Hải phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.
Lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ 4 với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.
Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp là tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành.
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các địa phương: Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.