Bộ trưởng Nội vụ: 'Tăng 30% lương cơ sở là phương án tối ưu'
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội nội dung cải cách tiền lương, trong đó điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7. VnExpress phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xoay quanh nội dung này.
- Tại sao Chính phủ lại trình Quốc hội phương án tăng 30% lương cơ sở từ 1/7 mà chưa thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, thưa Bộ trưởng?
- Cải cách tiền lương là vấn đề hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công, mà còn tác động đến hơn 50 triệu người hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện.
Từ tháng 12/2023 đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 21 cuộc họp, bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ để thảo luận các nội dung cải cách tiền lương. Từ đó, phương án tối ưu được lựa chọn đảm bảo ba nguyên tắc: công bằng giữa các đối tượng; thực hiện thận trọng từng bước theo lộ trình; hướng tới mục tiêu tăng lương cho tất cả trường hợp liên quan.
Với tinh thần đó, Chính phủ quyết định tăng 6% mức lương tối thiểu vùng của người lao động khối doanh nghiệp; áp dụng cơ chế thông thoáng trong quản lý thu nhập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển và nâng cao đời sống người lao động. Khu vực công thực hiện cải cách tiền lương từng bước, theo lộ trình, không gây xáo trộn. Mục tiêu là tăng lương cho tất cả trường hợp hưởng lương từ ngân sách và hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị thống nhất cho chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7.
Theo đó, lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng.
- Theo bà, những điều kiện nào chưa đảm bảo để thực hiện chính sách tiền lương mới như Nghị quyết của Trung ương là trả lương theo vị trí việc làm?
- Khi bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để đưa tất cả về mặt bằng chung nhằm xây dựng 5 bảng lương mới theo chức vụ, chức danh lãnh đạo và vị trí việc làm đã phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể là phương án này chưa bảo đảm tương quan chung, chưa công bằng, hợp lý, bình đẳng giữa các trường hợp hưởng lương khu vực công.
Theo đó, công chức - người tham mưu chiến lược được tăng rất thấp, chỉ hơn 20%. Trong khi đó, viên chức và tương đương có thể tăng đến hơn 50%, trong khi nhiều nhóm lại chỉ tăng 3-5%. Nhiều trường hợp không tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng. Tỷ lệ tăng bình quân khoảng 30,6%.
Do thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương và bỏ phụ cấp thâm niên nghề với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành dẫn đến nhiều cán bộ tâm tư. Họ là công chức, viên chức chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, hải quan, giáo dục và đào tạo. Sẽ phức tạp hơn khi có trường hợp đã công tác nhiều năm ở vùng khó khăn, đang hưởng phụ cấp 70% mà sau cải cách thì phụ cấp được hưởng thấp hơn nhiều.
Hơn nữa, quan hệ giữa mức lương thấp nhất (4,5 triệu) - trung bình (6,5 triệu) - cao nhất (29 triệu) còn thấp. Trong khi số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo rất nhiều và đa dạng nên việc xác định các chức danh tương đương để áp dụng bảng lương mới rất khó khăn. Nhiều trường hợp từ cấp Vụ, Sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới thì bị giảm so với lương hiện hưởng dẫn đến tâm tư, giảm động lực làm việc.
Hiện nay có trên 10 văn bản pháp luật về chính sách, chế độ cho các trường hợp hưởng an sinh, phúc lợi xã hội gắn với lương cơ sở. Một số văn bản quy định của Đảng cũng gắn với lương cơ sở và rất nhiều nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng căn cứ vào đó để hỗ trợ phụ cấp.
Chẳng hạn như hỗ trợ cho học sinh ở vùng khó khăn, thu hút và trọng dụng người tài, hoặc những chính sách đặc thù của địa phương, hỗ trợ thêm cho người cao tuổi... Các cơ quan không kịp xoay sở, tham chiếu vì luật vẫn còn hiệu lực, chưa được sửa đổi, bổ sung.
Do đó, Chính phủ đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và đề xuất phương án tối ưu, công bằng và hiệu quả nhất là tăng đều 30% mức lương cơ sở. Đây là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
- Bà nói gì về ý kiến "cải cách tiền lương lần này chưa triệt để khi tiền lương chưa gắn liền với vị trí việc làm"?
- Tôi không thấy như vậy bởi cải cách tiền lương ở đây phải theo lộ trình, những nội dung trong Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện thực hiện thì triển khai ngay. Những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn, phức tạp tình hình.
Hiện vướng mắc xảy ra ở bảng lương theo vị trí việc làm; bảng lương theo chức vụ, chức danh lãnh đạo của công chức, viên chức cũng như bảng lương của lực lượng vũ trang. Bởi thế việc tăng đều lương cơ sở là rất tối ưu. Bác Hồ cũng đã nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Hơn nữa, đây cũng là lần tăng lương cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài tăng 30% lương cơ sở, các cơ quan còn được bổ sung chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản. Việc quy định chế độ tiền thưởng gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của người hưởng lương sẽ tạo được động lực làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.
- Vị trí việc làm là tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương, đề án này đã được xây dựng như thế nào, thưa bà?
- Đề án vị trí việc làm được triển khai từ năm 2012 do Ban tổ chức Trung ương chủ trì. Việc này đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải cách hệ thống tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Tuy nhiên, đây là đề án lớn và đầy thách thức nên phải học hỏi, hoàn thiện liên tục trong quá trình triển khai. Ban Tổ chức Trung ương đã tích cực nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các nước tiên tiến như Nhật Bản và Singapore.
Hiện đề án vị trí việc làm đã hoàn thiện ở khối Chính phủ, địa phương và Quốc hội; khối Đảng và đoàn thể đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, đề án vẫn còn một số hạn chế về mặt hình thức; nhất là chất lượng chưa như mong muốn.
Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung để hoàn thiện đề án vị trí việc làm, góp phần tinh giản biên chế hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và đảm bảo công bằng trong công tác trả lương.
- Bộ trưởng nói tổng tiền cải cách tiền lương trong ba năm tới rất lớn, lên đến 913.300 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuẩn bị như thế nào và nguồn cải cách tiền lương các năm sau đó sẽ thực hiện ra sao?
- Theo tính toán của Bộ Tài chính thì tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 phải tăng thêm 913.300 tỷ đồng. Trong khi dự kiến trước đó chỉ khoảng 786.000 tỷ đồng.
Mặc dù đất nước rất khó khăn về nguồn lực và phải tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhưng đến hết năm 2023 cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Dù vậy cả hệ thống vẫn phải tiếp tục có giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi cùng những giải pháp hữu hiệu, khả thi để bảo đảm đủ tài chính.
Nguồn kinh phí sẽ tiếp tục thực hiện từ 5 nguồn theo đúng Nghị quyết số 27 của Trung ương, gồm: Nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; nguồn ngân sách Trung ương; một phần nguồn thu sự nghiệp; từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên; nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Tới đây, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban kinh tế Trung ương sẽ chủ trì sơ kết, đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 27. Đặc biệt là xây dựng các bảng lương cũng như phụ cấp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp những vấn đề cốt lõi trong thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm và chức vụ, chức danh lãnh đạo.
Đến thời điểm hợp lý, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về vấn đề này để triển khai cải cách tiền lương một cách triệt để. Chính phủ sẽ quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương và thưởng theo vị trí việc làm; việc sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; việc áp dụng tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương và cơ chế quản lý tiền lương với các đơn vị sự nghiệp công lập.