|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quảng Nam dẫn đầu danh sách các địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất

07:20 | 30/03/2023
Chia sẻ
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô sụt giảm 17,8% là một trong những nguyên nhân khiến Quảng Nam dẫn đầu danh sách các địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất với mức giảm lên tới 30,4%.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I/2023 ước tính giảm 2,2% so với quý I năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%.

Nguyên nhân được TCTK đánh giá là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. 

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,8%), làm giảm 0,7 điểm % trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,3%), làm giảm 1,6 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8%), làm giảm 0,1 điểm %; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,4%), đóng góp 0,1 điểm %.

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm % vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%, đóng góp 0,03 điểm %; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm %.

Chỉ số sản xuất quý I năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 7,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,9%.

Bên cạnh đó, chỉ số IIP của một số ngành tăng: Sản xuất đồ uống tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 19,4%; khai thác quặng kim loại tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.

Quảng Nam dẫn đầu về sụt giảm IIP

10 địa phương có mức tăng IIP cao nhất. (Nguồn: TCTK.)

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Trong đó, Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Trị,... hiện đang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP. Tuy nhiên, đây chỉ các địa phương có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước chứ không dẫn đầu về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp.

Trong các "thủ phủ" công nghiệp duy chỉ có Bắc Giang là vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng IIP trong quý I năm nay còn lại các địa phương khác như: Quảng Nam, Bắc Ninh đều đang sụt giảm mạnh chỉ số này.

Quảng Nam dẫn đầu danh sách các địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất. (Nguồn: TCTK.)

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%; phân Urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Bia tăng 27,8%; xăng, dầu tăng 20,6%;  vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,8%; sắt, thép thô tăng 9,2%; đường kính tăng 6,6%.

Tình hình khó khăn cũng thể hiện ở chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước và cao hơn mức 17,7% của quý I năm trước, giai đoạn vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,3% và giảm 1,5%;  doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1% và giảm 2,6%.

Hạ An

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.