|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp TP HCM giảm hơn 21% trong tháng Tết

23:00 | 03/02/2023
Chia sẻ
Theo Sở Công Thương TP HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 21,4% so với tháng 12/2022.

Nguyên nhân dẫn đến chỉ số này giảm là do Tết Nguyên đán 2023 đến sớm và thời gian hoạt động sản xuất trong tháng 1/2023 bị ảnh hưởng và ít hơn tháng trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp trên địa bàn TP HCM giảm trong tháng 1/2023, góp phần kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22%; sản xuất và phân phối điện giảm 12,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 8,4%... Bên cạnh đó, tất cả 30/30 ngành công nghiệp cấp 2 đều giảm so với tháng trước và có 15/30 ngành giảm trên 20%.

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn TP HCM trong tháng 1/2023, nhất là thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, ngành công thương TP HCM đã phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, phân phối, bán lẻ và cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ra thị trường. Ngành công thương cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn, nhà bán lẻ... chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, bố trí hệ thống kho, cung ứng kịp thời nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP HCM tháng 1/2023 cũng giảm 15%. Trong 30 ngành công nghiệp cấp 2, chỉ có 4 ngành tăng so với với cùng kỳ năm trước là sản xuất đồ uống; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Về tình hình sản xuất tại doanh nghiệp trong 1/2023, báo cáo Sở Công Thương TP HCM cho thấy giảm 0,8% so với tháng 12/2022 và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt khác, những ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ là in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất kim loại... Riêng một số ngành có chỉ số lao động tăng so với cùng kỳ như Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 48,9%; sản xuất đồ uống tăng 38,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,5%...

Ghi nhận ý kiến đại diện các hiệp hội trên địa bàn TP HCM cho rằng, thực tế ở một số ngành sản xuất như: ngành sản xuất ô tô, ngoài dựa vào doanh nghiệp địa, thì ngành công nghiệp ô tô vẫn nguồn đầu tư tài chính, công nghệ, lao động chất lượng cao... từ những thương hiệu toàn cầu hoặc doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài).

Đặc biệt, xu hướng xanh hóa ngành công nghiệp ô tô, dệt may - da giày, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic... trên toàn cầu cũng tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt khi chịu sức ép cạnh tranh với những nước ngay trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Ở góc độ sở, ngành, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, song song với hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giải pháp hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn này cũng hết sức cần thiết.

Nhìn lại từ năm 2022 đến nay, sản xuất công nghiệp đã và đang được khôi phục ở hầu hết ngành nhờ cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh bù lại khoảng thời gian gián đoạn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều hội đồng phát triển ngành công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về phía UBND TP HCM cũng đã thông qua việc triển khai Kế hoạch số 2888 về thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2023. Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện như hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và vận hành cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ...

Mỹ Phương