|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TP HCM: Lượng người sắm Tết tại siêu thị, cửa hàng không sôi động như các năm trước

15:23 | 03/02/2023
Chia sẻ
Đây là thông tin được ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết trong buổi họp báo chiều 2/2.

Hàng hoá Tết bên trong một siêu thị. (Ảnh: Chí Dũng).

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 2/2 do UBND TP. HCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương đã thông tin sức mua hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng cao so với các năm trước. Qua thống kê sơ bộ, trong mùa Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tổng mức bán lẻ xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, lượng người không sôi động như các năm trước. Nguyên nhân là do phương thức bán hàng của doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh trực tuyến… Vì vậy, khi đi mua sắm kênh truyền thống sẽ không thấy đông khách như các năm trước.

Đối với việc kiểm tra hàng hóa, giá cả trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường… thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên đề. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, các đơn vị đã báo Sở Công thương, Sở Tài chính để kiểm tra hàng hóa thị trường trong thời gian mua sắm trước, trong và sau Tết. Tới nay chưa phát hiện dấu hiệu bất thường nào về giá cả, hàng gian, hàng giả trên địa bàn.

Quan điểm của ông Phương phù hợp với những báo cáo về mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê. Theo đó, trên phạm vi cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).

Tổng cục Thống kê đánh giá, tháng 1/2023 trùng với Tết Nguyên đán, giai đoạn nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành gấp 2,1 lần.

So sánh với thời điểm trước dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 34,2% so với tháng 1/2019. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái gồm: Đà Nẵng tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; TP. HCM tăng 7,8%. 

Thực tế cũng cho thấy mảng bán lẻ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay khởi sắc hơn so với năm trước. Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh số gần 30.900 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra.

Riêng mảng thương mại điện tử đã đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào tổng doanh số của đơn vị. “Kết quả kinh doanh năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 chứng minh Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường.

Năm 2023, Saigon Co.op mong muốn tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ”, ông Đức chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo của Saigon Co.op, chỉ tính riêng trong 8 tuần cao điểm mua sắm dịp Tết, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã phục vụ hơn 1,08 triệu lượt khách hàng. 

 

Chí Dũng