|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp tháng 2 dự báo tiếp tục giảm

16:14 | 08/02/2023
Chia sẻ
Chỉ số PMI vẫn ở dưới mức 50 điểm cho thấy triển vọng kém tích cực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, lĩnh vực chiếm tới 25% GDP của Việt Nam.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó dự báo chỉ số CPI của Việt Nam sẽ tiếp tục trên 4,5% trong tháng 2, khi so với mức nền thấp của năm 2022, trong khi năm 2023, những hỗ trợ để giảm giá không còn lớn như năm 2022. BVSC kỳ vọng chỉ số CPI so với cùng kỳ sẽ hạ nhiệt trong các tháng sau đó, dự báo cả năm 2023 ở mức 4-4,5%. 

Về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 1 giảm 14,61% so với tháng 12/2022 và 8,04% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, ngành công nghiệp chế biến chế tạo – động lực chính của sản xuất công nghiệp cũng đã giảm 16,05% theo tháng và 9,1% so với cùng kỳ. 

 

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1 ghi nhận ở mức 47,4 điểm. Chỉ số PMI đã tăng nhẹ so với mức 46,4 điểm trong tháng trước do tốc độ giảm của cả 3 yếu tố chính là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, và việc làm đều đã chậm lại và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tháng. Dù vậy, đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số PMI ở dưới mức 50 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn.

BVSC nhận định việc chỉ số PMI vẫn ở dưới mức 50 điểm cho thấy triển vọng kém tích cực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, lĩnh vực chiếm tới 25% GDP của Việt Nam. Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các chuyên gia tại đây dự báo, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 tới đây sẽ tiếp tục có diễn biến giảm. 

 

Báo cáo cũng đề cập đến tăng trưởng tiêu dùng tích cực trong tháng 1 có được một phần nhờ nền thấp trong cùng kỳ (Việt Nam vẫn chưa mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế cho tới giữa tháng 3/2022) và yếu tố giá tăng (giá cả hàng hóa tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ). 

Thêm vào đó, tháng 1/2023 cũng trùng với dịp Tết nguyên đán, khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao hơn so với các tháng không có Tết. BVSC cho rằng ngoại trừ du lịch do được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, thì tiêu dùng trong năm 2023 có thể gặp thách thức khi lạm phát duy trì ở mức cao. 

Với lĩnh vực xuất khẩu, BVSC đánh giá triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU kém tích cực, môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất cao và lạm phát cũng vẫn đang ở mức cao. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm so với cùng kỳ mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Điểm tích cực là cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 3,6 tỷ USD.

Ngoài yếu tố mùa vụ khi trùng vào dịp Tết nguyên đán với số ngày làm việc của doanh nghiệp ít hơn, mức giảm mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu cũng phản ánh triển vọng tiêu dùng kém tích cực trong năm 2023.

Diễn biến này cũng đã được cảnh báo trước đó khi chỉ số PMI ngành sản xuất đã có 2 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm, trong đó, số lượng đơn hàng mới, bao gồm đơn hàng xuất khẩu đều đã có diễn biến giảm trong các tháng vừa qua. 

Anh Đào