|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI vào sản xuất vẫn là 'cú hích' quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2023?

11:15 | 08/02/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, mặc dù dòng vốn FDI đang có xu hướng sụt giảm, song vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất vẫn 'vững vàng', càng nêu bật lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mảng này.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê,tính đến ngày 20/01/2023, Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD.

Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%; Isarel 60 triệu USD, chiếm 5%; HongKong, Trung Quốc 47,8 triệu USD, chiếm 4%; Hàn Quốc 38,5 triệu USD, chiếm 3,2%. 

Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI giữ vững "phong độ" giải ngân cũng là một động lực lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Nhà Đầu tư).

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận, năm 2022 là năm mà vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. 

"Lần đầu tiên chúng ta có chất lượng và hiệu quả thu hút FDI, dù vốn cam kết giảm nhưng vốn thực hiện cao nhất từ trước đến nay. Số lượng quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn", GS. Nguyễn Mại đánh giá.

"Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến dòng vốn FDI toàn cầu chảy mạnh vào Việt Nam. Đây là tín hiệu sáng về FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất", Chủ tịch VAFIE nói.

Vốn FDI vào sản xuất là "cú hích" quan trọng

GS. Mại nhận định, tín hiệu lạc quan này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Không chỉ Apple, Microsoft, những "ông lớn" công nghệ khác như Foxconn, Intel đã đầu tư và đang mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Tương tự, Samsung đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, LG cũng rót thêm 1 tỷ USD. Cùng với đó, Ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ, shinkansen, họ bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lớn tại Việt Nam…

Đánh giá thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023, GS. Nguyễn Mại nói: "Năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam".

Báo cáo từ Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, Việt Nam đã khởi đầu năm 2023 với dòng vốn FDI mới khả quan là 1,2 tỷ USD và nếu tính cả số vốn điều chỉnh là gần 1,7 tỷ USD.

Bất chấp chu kỳ đi xuống của công nghệ toàn cầu trong ngắn hạn, các công ty công nghệ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Dự án phát triển mới nhất đến từ nhà sản xuất màn hình của Trung Quốc BOE, nhà cung cấp màn hình cho cả Apple lẫn Samsung, có kế hoạch đầu tư lên tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy.

Trong khi đó, tâm lý các doanh nghiệp châu Âu cũng cho thấy cái nhìn lạc quan tương tự, thể hiện trong khảo sát hàng quý mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam.

Các chuyên gia từ HSBC đánh giá, mặc dù tổng vốn đầu tư FDI sụt giảm trong năm 2022 song vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất vẫn vững vàng, càng nêu bật lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mảng này. 

Trong xu thế sụt giảm chung, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất vẫn vững vàng. (Nguồn: HSBC).

Thu hút có chọn lọc FDI, tránh tình trạng chuyển giá

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế, tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là vẫn còn một số doanh nghiệp FDI chuyển giá, lợi dụng sơ hở luật pháp, hạch toán lỗ nhưng trên thực tế là có lãi.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan quản lý cần rà soát, nắm rõ thông tin về các mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất.

"Chúng ta phải liên hệ với loạt các quốc gia bên cạnh, ngay trong ASEAN, hợp tác trao đổi thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu giữa hải quan và cơ quan thuế để nắm rõ con số, giá cả lên xuống thông qua hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu", Chủ tịch VAFIE đề xuất.

Theo GS. Mại, cơ quan thuế cần có hệ thống hóa đơn điện tử, hạch toán trên hệ thống. Ngành thuế phải công khai, minh bạch, không có chuyện tiếp tay cho người trốn thuế. Đây là câu chuyện trong năm 2021, 2022 có tiến bộ đáng kể, nhưng hệ thống quản lý thuế cần cải cách hơn nữa để đạt chuẩn mực quốc tế trong hạch toán về thuế, như vậy mới chống chuyển giá, chống thất thu thuế.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu tình trạng về việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ để tránh các tác động của chiến tranh thương mại cũng như tận dụng FTA của Việt Nam.

"FDI đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng mặt trái của FDI đối với kinh tế Việt Nam là một số quốc gia, vùng lãnh thổ tận dụng FTA của Việt Nam ký với các nước để đầu tư xuất khẩu", nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu vấn đề.

Qua một số phương tiện truyền thông của Trung Quốc, tôi được biết nước này muốn biến Việt Nam thành vùng đệm để xuất khẩu để tránh được câu chuyện cạnh tranh với Mỹ.

"Do đó, chúng ta cần cẩn trọng với FDI, chú ý để xuất siêu hoặc ít nhất giữ cân bằng với thị trường Mỹ hay EU, tránh bị lợi dụng trong câu chuyện FTA", ông Lâm cảnh báo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.