Quan chức Mỹ - Trung sắp họp mặt lần đầu dưới nhiệm kỳ của ông Biden
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ thảo luận "một loạt vấn đề" với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì vào tuần tới.
Hôm 9/3, South China Morning Post (SCMP) đưa tin cuộc gặp sẽ diễn ra tại một địa điểm thuận tiện giữa Washington và Bắc Kinh. Song, đến ngày 10/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lại nhấn mạnh cuộc gặp sẽ được tổ chức tại Mỹ.
"Chúng tôi xin nhấn mạnh là cuộc họp đầu tiên giữa chính quyền Tổng thống Biden và các quan chức Trung Quốc sẽ tiến hành trên đất Mỹ và chỉ diễn ra sau khi chúng tôi đã thảo luận cũng như tham khảo ý kiến từ các đối tác và đồng minh ở châu Á lẫn châu Âu", bà Psaki chia sẻ với các phóng viên.
Một số nội dung dự kiến của cuộc gặp
Cuộc họp mặt cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày 18/3, sau khi Tổng thống Biden tham gia hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thuộc Bộ tứ Kim cương gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Hai ông Blinken và Sullivan sẽ sử dụng cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc để giải quyết một loạt vấn đề, bao gồm những điểm nổi cộm mà hai siêu cường có "bất đồng sâu sắc", bà Psaki tiết lộ thêm.
"Chúng tôi sẽ thẳng thắn trình bày những quan ngại về thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho nền an ninh và các giá trị của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng tôi", thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh.
Washington từng cam kết sẽ "ủng hộ một hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp và củng cố khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hướng tự do và cởi mở". Bà Psaki cho biết lời cam kết này sẽ là một trong các chủ đề của cuộc gặp.
Theo SCMP, Bắc Kinh chưa xác nhận kế hoạch gặp mặt. Hôm 10/3, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông "không có thông tin nào để chia sẻ".
Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ dừng chân tại thành phố Anchorage, bang Alaska trên đường trở về sau chuyến công du Seoul và Tokyo cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin.
Chia sẻ về cuộc gặp sắp tới tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 10/3, ông Blinken cho hay: "Đây là cơ hội quan trọng để Washington thẳng thắn trình bày những lo ngại liên quan đến chính sách của Bắc Kinh".
"Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu cơ hội hợp tác tiềm năng với họ. Đồng thời, chúng tôi còn muốn đề cập đến mối quan hệ cạnh tranh giữa hai bên để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp và người lao động trong nước có thể hưởng lợi", ông Blinken cho biết thêm.
Chính sách của Trung Quốc đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu tự trị Tân Cương sẽ là một nội dung mà phái đoàn của ông Blinken sẽ "mạnh dạn" nhắc đến.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Mỹ và các nước khác không xuất khẩu sang Trung Quốc bất kỳ hàng hóa nào có thể được dùng để đàn áp người dân Tân Cương. Tương tự, chúng tôi cũng không muốn nhập khẩu vào Mỹ bất kỳ sản phẩm nào được tạo ra bởi lao động cưỡng ép", ông Blinken tiết lộ thêm.
Bình luận của Ngoại trưởng Antony Blinken được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa giới thiệu dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương do lo ngại về tình trạng lao động cưỡng ép tại khu tự trị này. Dự luật mới đã được Hạ viện thông qua và đang kẹt lại ở Thượng viện.
Chờ đợi kết quả hữu hình
Ngoại trưởng Blinken lưu ý, cuộc gặp vào tuần tới không phải là khởi đầu của một loạt các cuộc đàm phán song phương, trừ khi Bắc Kinh có thể cho thấy Washington thấy thành ý sửa đổi trong các lĩnh vực được đem ra thảo luận.
"Sự kiện tại Anchorage không phải một cuộc đối thoại chiến lược. Ở thời điểm này, chúng tôi không có ý định tiếp tục giữ liên lạc với Trung Quốc. Nếu có thì phải dựa trên giả định là chúng tôi nhìn thấy sự tiến bộ hữu hình và kết quả hữu hình từ phía họ", ông Blinken cho hay.
Ông Sourabh Gupta, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ (trụ sở tại Washington), cho biết kết quả hữu hình nhất chính là hoàn thành mục tiêu mua hàng nêu trong thỏa thuận thương mại mà Trung Quốc ký với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm ngoái.
Ngoài ra, phái đoàn Trung Quốc cũng cần cam kết tham gia công ước chống lao động cưỡng ép của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cụ thể hóa hành động để hoàn thành mục tiêu đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030, ông Gupta nói thêm.