|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức cấp cao dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất từ quý III

08:31 | 19/01/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ quý III.

 

Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta. (Ảnh: Bloomberg).

Chia sẻ tại một sự kiện kinh doanh hôm 18/1, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào quý III năm nay. Đồng thời, ông cho biết lạm phát đang quay trở về mức mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách.

Ông Bostic, thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) năm nay, khẳng định mục tiêu trước mắt của Fed là điều chỉnh chính sách làm sao để không bóp nghẹt tăng trưởng nhưng vẫn có thể khống chế lạm phát.

Tuy nhiên, ông nói kịch bản “con đường vàng” đang có khả năng xảy ra nhiều hơn kỳ vọng trước đây của các quan chức Fed. Ở kịch bản này, lạm phát vừa đi xuống mà tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm vẫn ổn định.

“Tôi hoạch định chính sách dựa trên dự liệu, do đó tôi đã đánh giá những tiến bộ bất ngờ của lạm phát và hoạt động kinh tế vào triển vọng của mình. Vì vậy, tôi đã lùi mốc thời gian bắt đầu bình thường hoá chính sách từ quý IV sang quý III năm nay”, ông Bostic cho hay.

Bình luận của ông Bostic là một gợi ý mới về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Song, chúng cũng là một lời nhắc nhở rằng các quan chức ngân hàng trung ương và nhà đầu tư đang có kỳ vọng khác nhau về thời điểm nới lỏng chính sách, theo CNBC.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3. Xác suất đã giảm trong những ngày gần đây nhưng vẫn đạt khoảng 57%.  Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất 6 lần trong năm 2024.

 

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cho biết ông không phản đối việc giảm lãi suất sớm hơn quý III. Ông nói có thể ông sẽ ủng hộ hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 7, nhưng tiêu chuẩn sẽ rất cao.

“Nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến những diễn biến bất ngờ trong dữ liệu, tôi có thể sẵn sàng ủng hộ việc bình thường hoá chính sách tiền tệ sớm hơn quý III. Song, bằng chứng cần phải thuyết phục”, ông nhấn mạnh.

Một số yếu tố có thể thay đổi tính toán của các quan chức Fed gồm xung đột địa chính trị ở Trung Đông, cuộc chiến ngân sách đang diễn ra ở thủ đô Washington và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Bostic nêu ra. Do vậy, ông ủng hộ chiến lược thận trọng.

“Trong một môi trường khó đoán như vậy, thật không khôn ngoan nếu điều chỉnh chính sách quá mạnh tay. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục quan sát trước khi bắt đầu quá trình bình thường hoá chính sách”, ông Bostic nói.

Một số báo cáo kinh tế mà vị quan chức sẽ theo dõi trong thời gian tới gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, số liệu việc làm và thất nghiệp.

Cùng ngày 18/1, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo mới cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm vẫn còn thắt chặt.

Trước ông Bostic, Thống đốc Fed Christopher Waller đã có bình luận khiến thị trường tài chính dậy sóng. Hôm 16/1, ông Waller cho biết Fed có thể hạ lãi suất trong năm nay, nhưng không cần quá vội vàng.

“Miễn là lạm phát không tăng trở lại và duy trì ở mức cao, tôi tin FOMC sẽ có thể hạ thấp phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang trong năm nay”, ông Waller nói tại sự kiện của Viện Brookings.

“Khi đến thời điểm thích hợp để bắt đầu giảm lãi suất, tôi cho rằng Fed nên hành động một cách có phương pháp và cẩn thận”, ông tiếp tục.

“Trong nhiều chu kỳ trước, FOMC thường hạ lãi suất nhanh chóng và với quy mô lớn. Tuy nhiên, trong chu kỳ này, tôi không thấy lý do nào để hành động vội vã như trước đây”, ông lưu ý.

Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed đã phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2024, 4 lần trong năm 2025 và 3 lần nữa vào năm 2026.

 

Yên Khê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).