|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quan chức các nước đánh giá cao thỏa thuận về thuế doanh nghiệp của G7

01:22 | 06/06/2021
Chia sẻ
Kết thúc hai ngày thảo luận trực tiếp tại thủ đô London của Vương quốc Anh, nước đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng tài chính các nước G7 đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/6 cho biết các bộ trưởng tài chính G7 đã đưa ra một cam kết “nổi bật và chưa từng có tiền lệ” nhằm đạt được mức thuế tối thiểu toàn cầu là ít nhất 15%, qua đó chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp giữa các nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ca ngợi đây là một thỏa thuận “lịch sử” của G7. Ông cho rằng các công ty từ nay sẽ không thể né tránh việc nộp thuế bằng cách khai báo lợi nhuận ở các nước có mức thuế thấp hơn.Trong một tuyên bố, ông Scholz nhấn mạnh: “Đây là một tin tốt lành cho sự công bằng về thuế và tinh thần đoàn kết và là tin xấu đối với các thiên đường thuế trên thế giới”.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng những cải cách lớn về thuế này là những điều Anh đã và đang thúc đẩy. Đây là một phần thưởng lớn đối với người đóng thuế Anh khi đã tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn phù hợp với thế kỷ 21. 

Bộ trưởng Rishi Sunak nói “Đây thực sự là một thỏa thuận lịch sử và tôi tự hào G7 đã thể hiện vai trò lãnh đạo tập thể vào thời điểm quan trọng trong quá trình nền kinh tế toàn cầu của chúng ta phục hồi”. 

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết hiện khó có thể ước tính mức thuế tối thiểu mới được G7 nhất trí sẽ tăng như thế nào bởi cần có thêm các cuộc thảo luận tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Chia sẻ quan điểm trên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mức thuế doanh nghiệp toàn cầu vừa được G7 đưa ra chỉ là “điểm khởi đầu”, đồng thời cam kết nỗ lực để tiếp tục nâng cao mức thuế này. 

Ông khẳng định: “Đây chỉ là điểm khởi đầu và trong những tháng tới, chúng tôi sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu cao nhất có thể”.

Trước đó, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đang được thực hiện thông qua Khuôn khổ bao trùm của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế và việc áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm toàn cầu.

Các bộ trưởng tài chính G7 đã cam kết tìm ra một giải pháp công bằng trong việc phân bổ quyền đánh thuế với việc các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất; phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các quy tắc quốc tế mới về thuế và việc loại bỏ tất cả các loại Thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty; cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ở mức thấp nhất là 15% trên cơ sở từng quốc gia.

Ngoài vấn đề cải các thuế doanh nghiệp, các bộ trưởng tài chính G7 cũng thảo luận và nhất trí tăng tốc độ hành động trong các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu và sự mất đi về đa dạng sinh học. 

Các bộ trưởng tài chính G7 tái khẳng định mục tiêu chung của các quốc gia phát triển là mỗi năm huy động 100 tỷ USD từ các nguồn công và tư để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng tài chính các nước G7 cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19 khi tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sớm thực hiện việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng Tám này.

Đình Thư