|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quán bar, nhà hàng tìm cách sống sót qua dịch COVID-19 như thế nào

07:08 | 31/03/2020
Chia sẻ
Với việc khách hàng buộc phải ở nhà "cách li xã hội", các quán bar, nhà hàng và quán cà phê khắp thế giới tìm ra những cách thức thông minh để sống sót qua đại dịch.

Bị coi là cơ sở kinh doanh "không thiết yếu", các quán cà phê, nhà hàng, quán bar và hộp đêm bị chính phủ các nước yêu cầu đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch virus corona chủng mới.

Tại một số thành phố Mỹ như New York và Los Angeles, các nhà hàng, quán cà phê và quán bar ngừng hoạt động từ giữa tháng 3, chỉ phục vụ giao hàng. Anh và Australia cũng áp dụng các lệnh giới hạn tương tự một, hai tuần sau đó.

Không giống nhân viên văn phòng, người lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ khách hàng như nhà hàng và quán bar không thể làm việc từ nhà. Với việc khách hàng không bước chân ra khỏi cửa, đây là một trong những ngành công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Covid-19.

Chỉ tiêng tại Mỹ, ngành dịch vụ khách hàng nuôi sống hơn 16 triệu lao động. Ở Anh, khoảng 30% trong tổng số 3,2 triệu lao động ngành dịch vụ khách hàng đối mặt với nguy cơ mất việc làm.

Quán bar, nhà hàng tìm cách sống sót qua dịch COVID-19 như thế nào - Ảnh 1.

Cảnh ảm đạm trong một quán bar ở Manhattan, New York (Mỹ) hồi giữa tháng 3. Ảnh: New York Times.

Tìm cách sống sót

Nhiều cơ sở cố gắng trụ lại bằng cách bán đồ ăn và cà phê đem đi. Một số khác đóng cửa hoàn toàn, chờ ngày dịch bệnh trôi qua. Một số khác tìm cách sống sót bằng những phương pháp mới mẻ. Theo CNET, Bread Ahead, một tiệm bánh ở London (Anh) livestream lớp học làm bánh tại gia qua mạng xã hội, bán phiếu giảm giá bánh mì online.

Après, một quán cà phê cũng ở London, thay đổi mô hình thành siêu thị online. Bên kia Đại Tây Dương, nhân viên quán cà phê Jack's Wife Freda ở New York sử dụng trang web GoFundMe để gây quỹ giúp trả lương cho những người khác trong 3 cửa hàng.

"Khi chính phủ Mỹ yêu cầu các nhà hàng đóng cửa tạm thời, rất nhiều người đã mất việc chỉ sau một đêm. Hầu hết chúng tôi không có tiền tiết kiệm", CNET dẫn lời Kate Waldryn, nhân viên tổ chức chiến dịch gây quỹ, giải thích. GoFundMe đã huy động được 6.500 USD cho cửa hàng trong tuần trước.

"Hoặc là chịu chết, hoặc chúng tôi phải làm một điều gì đó", ông Daniel McBride, đồng sở hữu nhà hàng Golden Gully ở Australia, khẳng định. Cửa hàng của ông mở phiên bản online mang tên The Virtual Gully, dùng phần mềm Zoom để tổ chức các bữa thử rượu trực tuyến và lớp dạy nấu ăn.

Nhà hàng cũng mở dịch vụ giao rượu tận nơi. Và The Virtual Gully tiếp tục đem lại nguồn thu cho nhà hàng, nhiều hơn những gì ông McBride tính toán. Dù vậy, với việc dịch vẫn diễn biến phức tạp, ông không quá lạc quan.

Quán bar, nhà hàng tìm cách sống sót qua dịch COVID-19 như thế nào - Ảnh 2.

Nhà hàng Golden Gully thành lập phiên bản online có tên The Virtual Gully. Ảnh: Getty Images.

"Đây là nguồn thu nhập chúng tôi tưởng như không thể có trong thời điểm khó khăn này. Nhưng đây không phải một mô hình kinh doanh bền vững, nó sẽ không tồn tại lâu được", ông McBride thừa nhận.

Ông Joel Tietolman, chủ sở hữu cửa hàng bánh mì Mile End Deli tại New York, bắt đầu dịch vụ giao hàng online trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Vài ngày sau khi chính quyền New York ban bố các biện pháp cách lý, ông Tietolman thêm một tính năng vào dịch vụ của mình.

Đó là sau khi mua đồ, khách hàng có thể tài trợ bữa ăn cho các nhân viên y tế tại New York. Hơn 200 đơn hàng đã được giao trong tuần qua. Tietolman tiếp tục duy trì hoạt động của tiệm bánh dù doanh thu chỉ đạt 40% mức thông thường của tháng 3, đủ để trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng và điện nước.

Sẽ là một thế giới mới

Dịch Covid-19 buộc các công ty khắp thế giới phải đầu tư vào hạ tầng "làm việc tại nhà". Và những phương án xoay sở của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách hàng có thể sẽ tiếp tục được duy trì sau khi dịch bệnh trôi qua.

Ông McBride cho biết trang The Virtual Gully sẽ được duy trì ngay cả khi quán Golden Gully mở cửa trở lại. Còn ông Tietolman cho biết sẽ thay đổi cách trả lương cho nhân viên.

Từ giờ, mọi nhân viên đều được trả lương theo giờ như nhau, trái ngược với mô hình tiêu chuẩn tại Mỹ trước đây là đầu bếp được trả lương cao hơn do không nhận được tiền tip. Ông Tietolman khẳng định: "Khi dịch kết thúc, cả ngành dịch vụ khách hàng sẽ thay đổi. Đó sẽ là một thế giới mới".

Nhiều nhà hàng kết hợp với Uber Eats và các dịch vụ giao đồ ăn tương tự. Matt Maloney - CEO của Grubhub, một trong những đối thủ cạnh tranh tại Mỹ của Uber Eats - cho biết số lượng đăng ký đối tác của các nhà hàng tăng 5-10 lần. Tuy nhiên, các công ty này đòi phí dịch vụ rất cao.

Các quán cà phê và nhà hàng cho biết phải trích 30% tổng tiền mỗi đơn hàng giao đồ ăn cho Uber Eats, lợi nhuận còn lại rất thấp. Jim Papadakis, chủ sở hữu của nhà hàng Queenside (Sydney, Australia) thừa nhận: "Những nhà hàng nhỏ như chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác".

Quán bar, nhà hàng tìm cách sống sót qua dịch COVID-19 như thế nào - Ảnh 3.

Các nhà hàng tăng cường hợp tác với dịch vụ giao hàng. Ảnh: Getty Images.

Khi chính quyền các thành phố ban bố lệnh giới hạn đi lại, nhiều dịch vụ giao hàng cắt giảm chi phí cho đối tác. Uber Eats miễn phí giao hàng cho 100.000 nhà hàng độc lập tại Mỹ và Canada cho đến ngày 19/4.

Dịch vụ DoorDash (Mỹ) tạm thời không nhận hoa hồng từ các đơn hàng và cắt giảm phí đăng ký của các nhà hàng mới. Grubhub cũng tạm thời hoãn nhận phí dịch vụ lên đến 100 triệu USD để giúp các nhà hàng đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng khẳng định chừng đó là không đủ để giúp họ tránh lỗ. Ví dụ Grubhub chỉ tạm hoãn thu phí dịch vụ. Sau khi dịch trôi qua, các nhà hàng phải trả lại phí dịch vụ cho Grubhub, Uber Eats hay DoorDash.

Ở Australia, ông McBride đang nỗ lực quảng bán The Virtual Gully trên các trang mạng xã hội. Ông muốn sẽ giao bia và cocktail cho khách hàng tất cả các ngày trong tuần."Phải tận dụng để kiếm thêm thu nhập trong thời điểm này. Chính phủ Australia có thể thắt chặt thêm lệnh giới nghiêm", McBride lo lắng.

Thanh Hoa

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.