PV GAS lãi trước thuế 2.300 tỷ trong quý III, dự báo sản lượng khí tiếp tục giảm 40-50%
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng doanh thu ước đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 11% kế hoạch 9 tháng.
Lợi nhuận trước thuế của tổng công ty ước đạt 7.869 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 6.220 tỷ đồng, đều tương đương cùng kỳ và cùng vượt xấp xỉ vượt 20% kế hoạch của ba quý đầu năm.
Trước đó PV GAS đã công bố doanh thu lũy kế 8 tháng gần 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 7.200 tỷ. Như vậy ước tính trong tháng 9, PV GAS đem về 6.417 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 669 tỷ đồng.
Tính chung cả quý III, tổng doanh thu của PV GAS đạt 18.145 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% và giảm 12% so với cùng kỳ.
Theo công ty, trong kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huy động khí của khách hàng giảm, trong đó đặc biệt là huy động khí cho điện giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giảm 28% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN).
So với kế hoạch của Bộ Công Thương giao, huy động khí Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%. Đặc biệt, từ ngày 11/8 đến nay, huy động khí cho sản xuất điện Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng từ 5,6 - 8,5 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ 1,1 - 1,3 triệu m3/ngày.
Nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35 - 40% đối với khí LPG và 30% đối với khí thấp áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch bùng phát lần 4, do nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất, kinh doanh.
Dự báo thời gian tới, PV GAS cho rằng số lượng khách hàng dừng/giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát.
Bên cạnh đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa (khí LPG, CNG), huy động nguồn lực triển khai các dự án (chỉ duy trì được khoảng 40% lực lượng lao động tại công trường so với trước thời điểm dịch bùng phát do siết chặt đi lại), cũng như việc xem xét, phê duyệt của các cơ quan chức năng liên quan các hoạt động đầu tư xây dựng, cước phí, giá khí,... gặp nhiều khó khăn; chi phí cho các hoạt động tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh,...
Tổng công ty cho biết mặc dù sản lượng khí khô, condensate không hoàn thành kế hoạch, nhưng nhờ giá dầu, giá LPG thị trường tăng và sản lượng LPG tăng 27% so với kế hoạch đã đóng góp lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu tài chính 9 tháng.
Trong lĩnh vực LPG, PV GAS sản xuất và cung cấp 1.518 nghìn tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 337.000 tấn), bằng 127% kế hoạch 9 tháng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trong lĩnh vực LPG, PV GAS đang chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ toàn quốc.
PV GAS cũng sản xuất và cung cấp trên 47.000 tấn condensate, bằng 60% kế hoạch 9 tháng và tăng 9% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, giá khí thiên nhiên thế giới tăng chóng mặt và đạt đỉnh trong vòng 12 năm qua. Tuy nhiên việc giá khí thiên nhiên leo thang không hoàn toàn giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí trong nước hưởng lợi.
Song, PV GAS được SSI Research đánh giá là đơn vị khí trong nước hưởng lợi nhất khi dựa trên công thức sử dụng giá dầu Mazut (dầu FO) hoặc LPG làm cơ sở giá bán.
Theo chuyên gia SSI Research, sang quý IV, tình hình kinh doanh của PV GAS sẽ dần phục hồi. Việc giá dầu cao hơn có thể sẽ bù đắp phần nào cho việc giảm sản lượng tiêu thụ của PV GAS do dịch bệnh.
Sang năm sau, doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PV GAS được SSI Research dự phóng lần lượt tăng 23,6% và 25,2% so với năm nay nhờ vào sự phục hồi sản lượng khí mạnh mẽ, xét theo kịch bản cơ sở giá dầu Brent trung bình mức 68 USD/thùng năm 2022.