6 doanh nghiệp trên sàn có tăng trưởng doanh thu trên 20% trong 5 quý liên tiếp
Theo dữ liệu của FiinGroup công bố, có 6 doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán ghi nhận 5 quý liên tiếp có doanh thu tăng trưởng trên 20% và đã cán đích kế hoạch kinh doanh chỉ trong 9 tháng gồm: Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), CTCP Vinafreight (Mã: VNF), CTCP Transimex (Mã: TMS) và một doanh nghiệp duy nhất ở UPCoM là CTCP Nhựa Việt Nam (Mã: VNP).
Màn chạy đua của hai ông lớn ngành thép
Hoà Phát - nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á ghi nhận quán quân doanh thu trong quý III với gần 38.674 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kì năm ngoái. Doanh thu của Hoà Phát đã ghi nhận quý thứ 8 tăng trưởng trên 20%.
Quý III cũng là quý đầu tiên Hoà Phát ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ với lãi sau thuế đạt 10.351 tỷ đồng, xếp ở vị trí á quân về lợi nhuận trên sàn chứng khoán. Đây là quý thứ 8 tập đoàn có lợi nhuận tăng trưởng dương.
Sau 9 tháng, tập đoàn đạt 104.969 tỷ đồng doanh thu thuần, 27.102 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 63% và 206% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch đề ra, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã vượt 50% mục tiêu lợi nhuận và đạt 88% chỉ tiêu doanh thu năm.
Doanh thu của Hoà Phát (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).
Còn Tập đoàn Hoa Sen xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng doanh thu quý III trên sàn chứng khoán với 15.797 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kì năm trước. Tập đoàn có 5 quý tăng trưởng doanh thu trên 20% trong đó ba quý gần nhất mức tăng đều đạt xấp xỉ gần 90%. Lợi nhuận ròng đạt 940 tỷ, gấp hai lần so với cùng kì năm ngoái.
Niên độ 2020 - 2021 của Hoa Sen (1/10/2020 - 30/9/2021) ghi nhận con số kỷ lục về kết quả kinh doanh với 48.727 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 4.313 tỷ; tăng lần lượt 77% và 274% so với niên độ trước. Hoa Sen đã vượt 188% kế hoạch lợi nhuận mà đại hội đồng cổ đông đề ra.
Doanh thu của Hoa Sen (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).
Giá thép tăng cao và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh là động lực giúp doanh thu và lợi nhuận của Hoà Phát và Hoa Sen liên tục tăng trưởng nhiều quý liên tiếp.
Bất chấp khó khăn từ thị trường trong nước trong quý III do dịch bệnh khi hầu hết các tỉnh và thành phố lớn phía Nam đều phải tạm dừng hoạt động xây dựng, doanh thu và lợi nhuận của Hoa Sen và Hoà Phát vẫn tăng trưởng cao trong kì là nhờ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.
Hợp nhất Viglacera củng cố đà tăng trưởng cho Gelex
Kể từ ngày 6/4 năm nay, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đã chính thức hợp nhất vào CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) nên báo cáo tài chính quý ghi nhận nhiều khoản mục đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý III, doanh thu thuần của Gelex đạt 6.043 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 344 tỷ đồng, tăng 69% và là quý thứ 4 tăng trưởng dương. Lợi nhuận ròng 239 tỷ, tăng 71%.
Lũy kế ba quý đầu năm, Gelex đạt 19.157 tỷ đồng tổng doanh thu thuần và 1.415 tỷ đồng lãi trước thuế, cao hơn lần lượt 59% và 79% so với 9 tháng đầu 2020 và đã thực hiện 67,6% kế hoạch doanh thu và vượt 9% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Doanh thu của Gelex (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).
Giá cước vận tải là lực đẩy giúp Transimex và Vinafreight bứt phá
Đại diện cho nhóm dịch vụ vận tải có CTCP Vinafreight (Mã: VNF) và CTCP Transimex (Mã: TMS).
Transimex được đánh giá là công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ logistic tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ logistic tích hợp từ từ giao nhận hàng hóa, vận tải trên đất liền và đường biển đến kho bãi, trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD).
Giai đoạn 2017-2020, Transimex ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 17% đối với cả doanh thu và lợi nhuận ròng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định Transimex là doanh nghiệp hưởng lợi từ mức cước phí vận chuyển cao hiện nay. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu được thúc đẩy bởi doanh thu cước vận tải và dịch vụ giao nhận hàng hóa trong bối cảnh chi phí vận tải đường biển hiện đang ở mức cao. Ngoài ra, TMS cũng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với nhà kho và trung tâm phân phối tại các trung tâm logistics trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương và Hưng Yên.
Transimex đã có 6 quý liên tiếp có doanh thu tăng trưởng dương và đều đạt trên 20%. Còn lợi nhuận sau thuế sau nhiều quý tăng trưởng liên tiếp đã chứng kiến sự suy giảm 6,7% trong quý II.
Quý III, Transimex đạt 1.556 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 62% và lãi sau thuế tăng 69% lên 147 tỷ đồng. 9 tháng công ty đạt 4.064 tỷ doanh thu, 374 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 77% và 60% so với cùng kì năm ngoái. So với mục tiêu đặt ra, công ty đã vượt 22% chỉ tiêu doanh thu và đạt 99% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu của Transimex (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).
Còn Vinafreight, đây chính là công ty con của Transimex với tỷ lệ sở hữu 53,52%, cũng có hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá.
Doanh thu của Vinafreight (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).
Một doanh nghiệp duy nhất ở UPCoM là CTCP Nhựa Việt Nam (Mã: VNP) dù có tốc độ tăng trưởng doanh thu duy trì trên 20% trong 5 quý liên tiếp nhưng lợi nhuận của Nhựa Việt Nam lại thiếu ổn định.
Trong quý IV/2020, quý I và quý II năm nay chứng kiến doanh thu của Nhựa Việt Nam tăng bằng lần. Doanh thu Nhựa Việt Nam khả quan trong thời gian nhờ giá các loại hạt nhựa nhìn chung tăng do giá dầu ở mức cao và nhu cầu bao bì tăng đột biến ở các nước châu Á trong giai đoạn COVID-19 bùng phát.
Quý III, Nhựa Việt Nam đạt 70 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 19 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 35% và 77% so với cùng kì năm ngoái.
9 tháng công ty đạt 266 tỷ đồng doanh thu, 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 169% và 166% so với 9 tháng năm 2020 và đã vượt 21% chỉ tiêu doanh thu và gấp 4,7 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Doanh thu của Nhựa Việt Nam (mặt trước) và lợi nhuận sau thuế (click vào ảnh để xem mặt sau).