|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu thuần trong quý III

15:54 | 08/11/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng doanh thu trong quý III đã chậm lại đáng kể so với quý II. Nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính hoặc chỉ có rất ít.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến ngày cuối tuần trước (5/11), đã có 892 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2021, chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong số này có 717 công ty báo lãi (gồm 430 có lãi tăng và 287 có lãi giảm) cùng với 175 doanh nghiệp thua lỗ.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III là 784.790 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn đáng kể so với mức tăng 35% của quý II.

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu thuần trong quý III - Ảnh 1.

Nếu không kể nhóm ngân hàng, tổng doanh thu là 677.000 tỷ đồng, chỉ tăng 4,1% so cùng kỳ và thấp hơn mức 33% của quý II.

Các doanh nghiệp ở HOSE ghi nhận doanh thu trên 452.000 tỷ, nhích 2,2% so với quý III/2020 và đóng góp gần 69% toàn thị trường. Doanh nghiệp HNX và UPCoM báo cáo tăng trưởng doanh thu lần lượt 14,7% và 5,6%.

Việc tăng trưởng quý III chững lại so với quý II đã phần nào cho thấy mức độ thiệt hại mà COVID-19 và các biện pháp phong tỏa gây ra cho nền kinh tế.

Nhiều công ty không có doanh thu

Theo thống kê của chúng tôi, có ít nhất 20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính bằng 0. Tất nhiên giá vốn hàng bán và lãi/lỗ gộp cũng bằng 0.

Nhiều loại chi phí vẫn tiếp tục phát sinh ngay cả khi không có doanh thu. Kết quả kinh doanh lãi hay lỗ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác đáng kể hay không.

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu thuần trong quý III - Ảnh 2.

Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Mã: ACM) cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia Trung Quốc không thể sang Việt Nam để thực hiện việc chạy máy và lưu thông hàng hóa. Vì vậy, kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng.

Trên báo cáo tài chính tổng hợp, doanh thu thuần và doanh thu từ hoạt động tài chính đều bằng 0, trong khi chi phí tài chính hơn 2,2 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 300 triệu. Vì vậy công ty lỗ 2,5 tỷ đồng.

Tập đoàn Trường Tiền (Mã: MPT) không có doanh thu thuần trong quý III/2020 dù cùng kỳ năm ngoái ghi nhận xấp xỉ 3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, Trường tiền lỗ 1,1 tỷ.

Công ty cổ phần CNC Capital Việt Nam (Mã: KSQ) cũng báo cáo doanh thu thuần bằng 0 nhưng vẫn có lãi sau thuế 1,2 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ gần 71 triệu đồng trong quý III/2020. Nguyên nhân là kỳ này công ty có doanh thu tài chính 1,85 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, CNC Capital cho biết công ty vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sắp xếp lại các khoản đầu tư.

Công ty cổ phần đầu tư PV2 cho biết các dự án vẫn đang trong quá trình triển khai, chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu nên khoản mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý vừa qua bằng 0. Kết quả công ty lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng.

Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (Mã: PVA) không có một đồng doanh thu thuần nào trong cả 9 tháng đầu năm 2021. Công ty cổ phần PVI (Mã: PVI) không có doanh thu thuần kể từ quý II/2018 đến nay.

Một số doanh nghiệp chỉ có doanh thu "tượng trưng" trong ba tháng 7, 8, 9 năm nay như: Công ty cổ phần DRH Holdings (Mã: DRH) 206 triệu đồng, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) 247 triệu đồng, CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) 420 triệu đồng.

Top doanh thu phân hóa rõ rệt

Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chứng khoán về doanh thu thuần quý III vừa qua là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) với 38.674 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Một doanh nghiệp thép khác là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng lọt vào top 10 với doanh thu gần 15.800 tỷ, tăng 89%. 

Tuy tiêu thụ trong nước sụt giảm vì dịch bệnh và phong tỏa nhưng nhìn chung doanh nghiệp thép vẫn hoạt động tốt nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sản phẩm tôn mạ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) từng nắm ngôi quán quân doanh thu trong quý II/2021 nhưng đã tụt xuống số 2 trong quý vừa qua giữa bối cảnh nhu cầu nhiên liệu sụt giảm do giãn cách. Cùng lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) ghi nhận doanh thu thuần tăng chưa đầy 9%.

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu thuần trong quý III - Ảnh 4.

Một cửa hàng xăng dầu của PV OIL vắng vẻ trong thời dịch. (Ảnh: Song Ngọc).

CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) được hưởng lợi khi giá dầu thế giới lên cao, doanh thu tăng trên 90%.

Ở lĩnh vực bán lẻ, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) là một trong số những doanh nghiệp thiệt hại đáng kể vì đại dịch khi doanh thu thuần giảm 5,4% còn 24.333 tỷ. Tuy các cửa hàng Bách Hóa Xanh vẫn được mở cửa để phục vụ nhu cầu thiết yếu, khoảng 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh đã phải đóng cửa trong tháng 8 và 9 theo quy định phòng dịch.

Cặp công ty mẹ - con Vingroup và Vinhomes cũng báo cáo doanh thu đi xuống so với quý III/2020.

Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu thuần trong quý III - Ảnh 5.

Song Ngọc