Lợi nhuận quý III toàn thị trường tăng gần 23%, Vinhomes và Hòa Phát so kè ngôi vua
Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến hết ngày 1/11, trong tổng số 1.652 công ty niêm yết cổ phiếu tại HOSE, HNX cũng như đăng ký giao dịch ở UPCoM, đã có 701 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III, chiếm 88% vốn hóa toàn thị trường.
Trong đó, 355 doanh nghiệp báo lãi tăng, 211 có lãi giảm và 135 công ty ghi nhận lỗ.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 701 công ty này là 92.581 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đã công bố tại HOSE tăng trưởng 26% và chiếm hơn 86% lợi nhuận toàn thị trường. Lãi sau thuế tại HNX và UPCoM tăng khiêm tốn hơn với tốc độ lần lượt 16,7% và 2,6%.
Nếu không tính ngành ngân hàng, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại đi lên với tốc độ 24,9%, cao hơn thị trường chung.
Vinhomes và Hòa Phát cạnh tranh ngôi đầu
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) công bố lợi nhuận sau thuế 10.351 tỷ đồng trong quý III vừa qua, tăng trưởng 173% so với cùng kỳ 2020 và cũng là lần đầu tiên đại gia ngành thép lãi trên 10.000 tỷ trong một quý. Kết quả này còn vượt xa dự báo của nhiều công ty chứng khoán.
Kết quả kinh doanh khả quan đến từ việc cả giá thép lẫn sản lượng tiêu thụ đều tăng mạnh. Sau khi tất cả 4 lò cao của Khu liên hợp Dung Quất đều đi vào hoạt động, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với công suất 8 triệu tấn/năm.
Tuy Hòa Phát tăng trưởng sốc lên đỉnh mới nhưng Vinhomes (Mã: VHM) mới là quán quân lợi nhuận. Trong quý III vừa qua, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lãi sau thuế 11.195 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ 2020.
Theo thông tin từ Vinhomes, lợi nhuận tăng hơn 5.000 tỷ chủ yếu từ việc bàn giao nhiều căn hộ thấp tầng với biên lợi nhuận cao hơn.
Trong lịch sử gần đây, Hòa Phát chỉ đứng trên Vinhomes một lần duy nhất vào quý I/2021. Ngay sau đó, Vinhomes đã vươn lên giành lại vị trí đầu bảng.
Lũy kế ba quý đầu năm nay, Vinhomes lãi sau thuế 27.245 tỷ đồng, nhỉnh hơn khoảng 143 tỷ so với Hòa Phát. Chứng khoán SSI ước tính cả năm nay Hòa Phát có thể lãi ròng khoảng 36.600 tỷ đồng, Chứng khoán HSC thì dự báo 33.900 tỷ.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo Vinhomes lãi sau thuế 38.257 tỷ trong năm 2021 và 35.449 tỷ trong năm sau.
Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III, có 18 cái tên với lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ. Chiếm giữ vị trí thứ 3, 4 và 5 lần lượt là ba nhà băng Vietcombank (Mã: VCB), Techcombank (Mã: TCB) và Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB). Riêng ở top 10, nhóm ngân hàng có đến 6 đại diện.
Ngoài Vinhomes và Hòa Phát, hai doanh nghiệp phi ngân hàng còn lại trong top 10 lợi nhuận là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - Mã: GAS).
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho biết PV Gas ghi nhận kết quả kinh doanh quý III khả quan bất chấp nhu cầu tiêu thụ khí để phát điện sụt giảm do giãn cách xã hội là nhờ vào giá dầu tăng mạnh. Sản lượng khí khô quý III giảm gần 30% so với cùng kỳ xuống còn 1,5 tỷ m3. Sản lượng 9 tháng giảm 18,5% còn 5,6 tỷ m3.
SSI cho rằng nhu cầu khí khô phục hồi và giá dầu, giá LPG duy trì ở mức cao có thể giúp PV Gas lãi sau thuế 2.850 tỷ trong quý IV.
Những ông lớn không góp mặt trong top lợi nhuận
Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) ghi nhận lãi sau thuế 257 tỷ đồng trong quý III vừa qua, giảm sâu so với con số 1.436 tỷ đồng của cùng kỳ 2020 và chỉ bằng một phần nhỏ so với công ty con là Vinhomes. Thực tế này cho thấy Vinhomes đang bù lỗ cho các mảng kinh doanh khác của Vingroup.
Một công ty con nữa của Vingroup là Vincom Retail (Mã: VRE) cũng báo lãi giảm mạnh còn hơn 24 tỷ đồng. Giải trình của Vincom Retail cho biết doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan trong quý III giảm 880 tỷ so với cùng kỳ, doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 87 tỷ do số lượng nhà phố thương mại được bàn giao ít hơn so với quý III/2020.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) lãi sau thuế 940 tỷ trong quý III (tức quý IV theo niên độ tài chính của Hoa Sen), còn thiếu 60 tỷ nữa để vào top lợi nhuận nghìn tỷ.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) báo lỗ kỷ lục 856 tỷ đồng trong bối cảnh nước ta phong tỏa nghiêm ngặt trong hầu hết quý III. Không chỉ các chuyến bay quốc tế mà cả các chặng nội địa cũng bị dừng để chống dịch, lượng khách qua các sân bay giảm sốc.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) xin gia hạn nộp báo cáo quý III.
Thị trường hàng không chưa hồi phục nên Vietnam Airlines đang bố trí 50% nhân viên khối văn phòng làm việc online, một phần nhân sự tại các đơn vị trực thuộc vẫn phải cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Vì vậy quá trình luân chuyển chứng từ, đối chiếu số liệu, báo cáo giữa các bộ phận bị chậm trễ, dẫn tới quá trình tổng hợp số liệu và lập báo cáo tài chính quý III cần thêm thời gian để hoàn tất.
Vietnam Airlines từng xin hoãn nộp báo cáo quý II cũng với lý do tương tự. Trong 6 tháng đầu năm, tổng công ty này lỗ sau thuế 8.622 tỷ đồng. Nhìn vào số chuyến bay sụt giảm thê thảm trong các tháng 7, 8 và 9, kết quả kinh doanh quý III của Vietnam Airlines cũng khó có thể khả quan hơn.
Từ ngày 3/11, cổ phiếu HVN bị chuyển sang diện kiểm soát, chỉ được giao dịch vào phiên chiều.