|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa PV Gas vượt 10 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát

06:07 | 29/10/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu GAS của PV Gas hiện có giá trị niêm yết lớn thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam, đứng sau VIC của Vingroup, VCB của Vietcombank, VHM của Vinhomes và HPG của Hòa Phát.
Vốn hóa PV Gas vượt 10 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát - Ảnh 1.

Kho chứa khí LPG. (Ảnh: PV Gas).

Kết phiên giao dịch 28/10, giá cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) tăng 2,7% lên đỉnh mới 125.000 đồng/cp. Đây là phiên lập đỉnh thứ 2 liên tiếp của GAS trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên trên toàn cầu đang thiếu hụt dẫn đến giá khí đốt tăng cao.

Vốn hóa thị trường của PV Gas hiện nay đạt 239.200 tỷ đồng, xếp thứ 5 sàn HOSE cũng như toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vingroup (VIC), Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Hòa Phát (HPG). 

Khoảng cách giữa PV Gas và Hòa Phát là 20.200 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 8% vốn hóa hiện nay của hai tập đoàn. Trong vài phiên giao dịch tới, nếu GAS diễn biến vượt trội so với HPG thì PV Gas hoàn toàn có thể vượt lên dẫn trước Hòa Phát về vốn hóa.

Vốn hóa PV Gas vượt 10 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát - Ảnh 2.

10 cổ phiếu top đầu HOSE chiếm 44,7% vốn hóa toàn sàn.

Triển vọng PV Gas

Quý III vừa qua, sản lượng khí khô tiêu thụ của PV Gas giảm 26% và sản lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) giảm 10% so với cùng kỳ 2020 do biến thể delta khiến dịch COVID-19 tái bùng phát, làm giảm nhu cầu nhiên liệu cho phát điện.

Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân quý III là 73,5 USD/thùng, tăng 71% so với bình quân quý III/2020 nên lợi nhuận của PV Gas vẫn đi lên. 

Cụ thể, doanh thu thuần quý vừa qua đạt 18.543 tỷ đồng, lãi ròng 2.417 tỷ, tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, PV Gas ghi nhận 6.822 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng hơn 9% so với ba quý đầu 2020.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng dầu thô sẽ được xem như một trong những phương án thay thế khả thi nhất khi nguồn cung khí đốt tự nhiên thiếu hụt và giá khí lên cao. 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng cao đang gây áp lực buộc các công ty sản xuất điện và các nhà sản xuất khác chuyển sang sử dụng dầu, một xu hướng có thể giúp nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng thêm 500.000 thùng/ngày.

Vốn hóa PV Gas vượt 10 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát - Ảnh 4.

Hiện giá dầu Brent được giao dịch ở mức trên 85 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Theo VNDirect, giá dầu có thể tiếp tục xu hướng tăng cho đến năm sau do nguồn cung từ cả Mỹ và OPEC+ đều phản ứng chậm chạp trong việc đáp ứng nhu cầu dầu thô phục hồi mạnh mẽ. Khi giá dầu tăng, tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí như PV Gas cũng sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải dự kiến đi vào hoạt động trong nửa cuối 2022 sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khí hiện hữu, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng mạnh tại Việt Nam sau đại dịch với mức tăng trưởng kép là 8,1% trong giai đoạn 2021 - 2030.

Chứng khoán HSC cũng tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong quý IV năm nay và duy trì ở mức ổn định trong năm 2022 giữa bối cảnh khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa được giải quyết và hoạt động kinh tế toàn cầu được mở cửa trở lại.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên OPEC+ đang hưởng lợi lớn từ việc giá dầu tăng và tình hình tài chính của các quốc gia này đang được xây dựng lại sau dịch COVID-19. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ khó có thể tăng đáng kể sản lượng so với mức hiện tại.

HSC dự tính sản lượng của thủy điện sẽ giảm trong thời gian tới khi hiện tượng La Nina qua đi, còn sản lượng nhiệt điện than cũng sẽ giảm do giá than tăng vọt. Do đó, có khả năng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chuyển đổi cơ cấu nhiên liệu sang sử dụng điện khí, tăng nhu cầu với sản phẩm của PV Gas.

10 cổ phiếu quyền lực nhất thị trường

Ngoài GAS, hai cổ phiếu khác trong rổ VN30 cũng phá đỉnh lịch sử trong ngày 28/10 là MSN của Tập đoàn Masan và KDH của Nhà Khang Điền. Masan hiện có vốn hóa khoảng 179.100 tỷ đồng, đứng thứ 8 sàn HOSE; còn Khang Điền có giá trị niêm yết 31.800 tỷ, xếp thứ 36.

Tổng vốn hóa của 10 mã cổ phiếu đứng đầu HOSE hiện nay là gần 2,45 triệu tỷ đồng, chiếm 44,7% tổng giá trị cổ phiếu trên HOSE. Bộ ba dẫn đầu là Vingroup, Vietcombank và Vinhomes vẫn giữ khoảng cách khá lớn với các cổ phiếu top sau, không dễ gì san lấp được.

Song Ngọc - Đức Quyền