|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biến động giá than và giá quặng ảnh hưởng thế nào tới chi phí của Hòa Phát?

17:48 | 27/10/2021
Chia sẻ
Giá than liên tục tăng trong khi giá quặng sắt đi xuống khiến cho than vươn lên trở thành nguyên liệu đắt nhất trong quá trình sản xuất thép của các doanh nghiệp dùng lò cao như Hòa Phát.
Biến động giá than và và giá quặng ảnh hưởng thế nào tới chi phí của Hòa Phát? - Ảnh 1.

Phòng điều khiển lò cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Đức Quyền).

Hai công nghệ sản xuất thép chính trên thế giới hiện nay là lò cao (nguyên liệu chủ yếu là than và quặng sắt) và lò hồ quang điện (nguyên liệu chính là thép phế liệu và điện cực graphite).

Chi phí mua than hiện đã vượt qua chi phí mua quặng sắt dùng trong quá trình sản xuất thép bằng lò cao. Vì vậy, các doanh nghiệp thép từ Đông Á tới Ấn Độ, châu Âu và Brazil đều đang chạy đua tìm mua than luyện kim trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp và mạch giao thương quốc tế đứt đoạn vì COVID-19.

Cụ thể, phân tích của hãng tin S&P Global Platts tháng 9 vừa qua cho thấy: Giả sử quá trình sản xuất một tấn thép cần 1,6 tấn quặng và 0,7 tấn than, khi đó chi phí quặng trong một tấn thép là 150 USD còn chi phí than lên tới 350 USD.

Biến động giá than và và giá quặng ảnh hưởng thế nào tới chi phí của Hòa Phát? - Ảnh 2.

Một doanh nghiệp thép tại Ấn Độ cho biết than chiếm khoảng 60% tổng chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép. Tại Trung Quốc, khảo sát của Platts cho thấy tỷ trọng chi phí của than là khoảng 50-70%. 

Trong khi giá than liên tục tăng thì giá quặng sắt lại giảm sâu. Giá của hai loại nguyên liệu này diễn biến trái chiều ngày càng mạnh kể từ tháng 7. Platts dẫn lời một nhà sản xuất thép ở đông bắc Trung Quốc cho hay: "Than rất đắt nhưng chúng tôi vẫn có tiền để mua do giá quặng sắt giảm, giúp triệt tiêu tác động của giá than. Chúng tôi cũng vẫn có thể kiếm lời trên thị trường thép thành phẩm".

Tại ngày 20/9, biên lợi nhuận của doanh nghiệp thép Trung Quốc là 110 USD/tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 85 USD/tấn thép xây dựng.

Tại Việt Nam, hai nhà sản xuất thép lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh đều sử dụng công nghệ lò cao thổi oxy. 

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho biết giá than tăng gấp ba lần trong 6 tháng qua lên khoảng 350-400 USD/tấn do thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên, SSI cho rằng tác động của việc tăng giá than đến sản xuất thép của Hòa Phát có thể được bù đắp bằng việc giá quặng sắt giảm 45% so với mức đỉnh trong tháng 6 do nhu cầu quặng của Trung Quốc suy yếu và nguồn cung toàn cầu phục hồi. 

Hòa Phát hiện là doanh nghiệp thép lớn nhất Đông Nam Á với năng lực sản xuất 8 triệu tấn mỗi năm. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã và đang duy trì giá thành sản xuất thấp hơn nhiều các công ty trong nước nhờ tính lợi thế kinh tế theo quy mô, SSI cho biết.

Do đó, Hòa Phát có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với trung bình ngành trong những năm qua. Tỷ suất lợi nhuận càng được cải thiện sau khi 4 lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất được đưa vào vận hành trong năm 2020 và đầu 2021, đóng góp thêm công suất 5 triệu tấn thép mỗi năm.

Biến động giá than và và giá quặng ảnh hưởng thế nào tới chi phí của Hòa Phát? - Ảnh 3.

Chứng khoán HSC cũng cho rằng tỷ suất lợi nhuận thuần của Hòa Phát tăng mạnh từ 15,3% vào quý III/2020 lên 26,6% vào quý III/2021 là nhờ giá bán các sản phẩm thép nói chung cao, lợi thế quy mô tăng khi sản lượng thép mở rộng và hiệu suất hoạt động của các nhà máy HRC và tôn cùng được cải thiện. 

Thép cuộn cán nóng (HRC) là động lực tăng trưởng chính đối với kết quả kinh doanh quý III/2021 của Hòa Phát nhờ giá bán tăng 24,8% so với cùng kỳ, Chứng khoán HSC cho hay. 

Ngoài ra, một động lực quan trọng khác là nhu cầu xuất khẩu tôn cũng tăng mạnh. Xuất khẩu chiếm 86% tổng sản lượng tiêu thụ tôn trong tháng 9/2021, tăng từ mức 50% trong năm 2020.

Hòa Phát đang vận hành hết công suất các nhà máy thép để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường nước ngoài.

Ông Kiều Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên cho biết khi chưa có dịch COVID-19, xuất khẩu chiếm khoảng 10-15% tổng lượng bán hàng thép xây dựng. 

Tuy nhiên, trong năm 2021 tiêu thụ trong nước gặp khó khăn do dịch nên Hòa Phát linh hoạt đẩy mạnh xuất thành phẩm hơn trước. Tỷ trọng hàng xuất khẩu năm nay có thể cao hơn, đạt khoảng 25%. Sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm 2021 dự kiến là 900.000 tấn, bằng gần hai lần 2020 và 3,5 lần năm 2019.

Biến động giá than và và giá quặng ảnh hưởng thế nào tới chi phí của Hòa Phát? - Ảnh 5.

Hòa Phát liên tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng.

Ông Công cho biết Hòa Phát đã lên lộ trình bán hàng theo năng lực của nhà máy, làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Năm 2022, tập đoàn dự kiến bán 4,3 triệu tấn thép xây dựng, năm 2023 phấn đấu 5 triệu tấn và 2024 là 5,6 triệu tấn, trong đó phía Nam sẽ tiêu thụ trên 1,5 triệu tấn, xuất khẩu thành phẩm đạt 1 triệu tấn.

Nhu cầu thép trong nước cũng đang cải thiện sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa. HSC cho biết trong tháng 10, Hòa Phát đã nâng giá bán thép cây thêm 400 đ/kg lên 16.540 đ/kg, giá thép cuộn tăng 450 đ/kg lên 16.600 đ/kg, giá bán tôn cũng tăng thêm 300 đ/kg.

Đức Quyền - Song Ngọc