Hòa Phát kiểm soát lãi vay dưới 2% doanh thu
Hòa Phát cải thiện khả năng trả lãi
Trong quý III vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận 675 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 25% so với cùng kỳ 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế ba quý đầu năm, Hòa Phát phải thanh toán gần 1.900 tỷ đồng lãi vay, tăng 23%.
Tuy nhiên kết quả kinh doanh của tập đoàn đi lên với tốc độ mạnh hơn đáng kể. Cụ thể, doanh thu 9 tháng tăng 63% lên xấp xỉ 105.000 tỷ, lãi sau thuế đạt trên 27.100, gấp ba lần cùng kỳ.
Vì vậy tỷ lệ lãi vay trên doanh thu trong ba quý đầu năm 2021 đều không quá 2%, thấp hơn nhiều so với năm 2020 và tương đương với quý III/2019.
Tỷ lệ khả năng trả lãi trong hai quý vừa qua cao hơn rõ rệt so với trước, đạt khoảng 17 - 18 lần. Nói cách khác, lợi nhuận của Hòa Phát gần đây dư sức trả 17 lần chi phí lãi vay.
Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ khả năng trả lãi của Hòa Phát trong cả năm 2021 là 17,2 lần và sang năm 2022 là 17,9 lần.
Rút ngắn kỳ hạn vay
Tại ngày 30/9 vừa qua, tổng tài sản của Hòa Phát là hơn 174.600 tỷ đồng, tăng hơn 43.100 tỷ (tức gần 33%) so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ phải trả tăng 18.000 tỷ còn vốn chủ sở hữu thêm hơn 25.100 tỷ. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính tăng từ 1,82 lần ngày đầu năm lên 1,93 lần ngày cuối quý III.
Phần vốn chủ tăng thêm đa phần đến từ khoản lợi nhuận khủng mà tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận trong kỳ.
Phần nợ phải trả tăng lên chủ yếu bắt nguồn từ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và nợ vay ngắn hạn.
Trong khoảng hai năm qua, nợ vay của Hòa Phát liên tục tăng theo từng quý, dẫn tới chi phí lãi vay không ngừng đi lên như nói ở trên. Tuy nhiên, các khoản vay dài hạn đang giảm dần cả về giá trị lẫn tỷ trọng.
Thay vào đó, Hòa Phát đẩy mạnh vay ngắn hạn, qua đó được hưởng lãi suất thấp hơn. Tại ngày cuối quý I/2019, tập đoàn đang nợ ngắn hạn hơn 11.800 tỷ, chiếm 39% tổng nợ vay. Đến cuối quý III/2021, các con số đã tăng lên thành gần 43.400 tỷ và 71%.
Giá trị tiền mặt và tiền gửi của Hòa Phát cũng tăng theo thời gian, đạt mức kỷ lục 34.800 tỷ vào ngày 30/9. Như vậy, giá trị vay ròng (nợ vay trừ đi tiền mặt) của Hòa Phát là khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Chủ tịch Trần Đình Long từng nhận định rằng quy mô vay của Hòa Phát có vẻ lớn nhưng giá trị vay ròng lại khá nhỏ, nằm trong ngưỡng an toàn.
Các khoản tiền gửi còn mang lại cho Hòa Phát 320 tỷ đồng tiền lãi trong quý III, giúp trang trải gần một nửa chi phí lãi vay trong kỳ.
Theo báo cáo bán niên soát xét, lãi suất các khoản vay ngắn hạn bằng VND trong nửa đầu năm nay là từ 1,6% đến 6% mỗi năm, thấp hơn so với khoảng 1,8% - 9,1% của năm 2020. Tương tự, lãi suất vay ngắn hạn bằng USD cũng giảm từ khoảng 1,59% - 3,6%/năm còn 0,89% - 3,6%/năm.
Nhiều khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát được bảo đảm bằng tiền mặt, tiền gửi có kỳ hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang ở một số dự án, …
Chủ tịch Trần Đình Long và các thành viên HĐQT khác đã dùng tổng cộng hàng trăm triệu cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân để bảo lãnh cho các khoản nợ của Hòa Phát.
Chủ nợ dài hạn lớn nhất của tập đoàn tại ngày 30/6 năm nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) với dư nợ hơn 8.100 tỷ, theo sau là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) với hơn 7.900 tỷ.
Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024 hoặc 2025. Vì vậy nhu cầu vay vốn của Hòa Phát trong những tới sẽ tiếp tục lên cao.